Nơi kiếm được “của để dành”

VOV.VN - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn

“Được bác sĩ cho biết mình đã có thai mà có lúc vẫn giật mình thảng thốt “liệu có đúng là mình mang bầu thật không?. Các bác sĩ ở đây đã cho mình niềm hạnh phúc quá lớn là được làm mẹ” – Đôi mắt ngân ngấn nước, chị Nguyễn Thị Nga, 39 tuổi, ở Yên Sơn, Tuyên Quang giọng lạc đi vì  xúc động khi nói về đứa con đang lớn lên trong bụng, kể từ khi chị làm IVF (thụ tinh ống nghiệm) thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Định Công, Hà Nội).

 Có được đứa con, khó như ... “lên trời”

 31 tuổi chị Nga mới lấy chồng, hạnh phúc đôi lứa chưa tày gang, một lần khám sức khỏe, chị rụng rời chân tay khi nghe bác sĩ thông báo bị tắc hai vòi trứng, phải cắt bỏ một bên. Còn chồng thì tinh trùng yếu. Khả năng có con đã khó nay càng lại mong manh.

Chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện công đến viện tư, đông tây y đủ cả,  nhưng chưa một lần chị chạm được đến hai chữ “hy vọng”. “Có bệnh vái tứ phương”, ai mách ở đâu có bác sĩ giỏi là bằng mọi cách chị  tìm đến. Hai vợ chồng bỏ cả công việc, về Hà Nội, thuê nhà trọ, ăn chực nằm chờ để chọc trứng, cấy phôi, làm IVF (thụ tinh ống nghiệm).

8 năm ròng rã chạy chữa, 8 lần chuyển phôi, kể cả trữ phối  lạnh cuốn đi hàng trăm triệu đồng. Tiền nhà, tiền đi vay cứ “đội nón ra đi” mà kết quả vẫn là con số 0. Sự chờ đợi mỏi mòn, sự tuyệt vọng của những lần thụ tinh ống nghiệm thất bại dường như cướp đi cả cái khát thèm làm mẹ nơi chị.

Tình cờ biết người bạn làm thụ tinh ống nghiệm thành công tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện được 1 trai, 1 gái, vợ chồng chị Nga quyết định thử vận may. Lúc ấy, gia đình, bạn bè phản ứng dữ dội, “sao lại hồ đồ đi chọn một nơi chữa vô sinh không tên tuổi”! Thế là vừa phải nói dối bố mẹ, vừa phải thuyết phục chồng, khăn gói về Hà Nội. Chị bảo, tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện như thể tìm đến chiếc phao cuối cùng.

Chưa biết là bác sĩ có “mát tay” hay không nhưng tình cảm, thái độ tận tình của các y bác sĩ đã khiến chị nuôi hy vọng. Và sau 8 năm, giấc mơ được làm mẹ đang thành hiện thực, chị đã có thai 14 tuần tuổi.

Chị Trần Thị Hải Vân ở Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm nay 39 tuổi, là bác sĩ bệnh viện Dệt May Việt Nam. Chị lấy chồng năm 33 tuổi, mang thai  được 9 tuần thì bị thai chết lưu.  Đã 5 năm trôi qua, chị vẫn chưa có thai trở lại dù đã chữa trị ở nhiều nơi. Sau khi làm thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Bưu Điện, giờ đây chị đang ngập tràn hạnh phúc khi có thai được 20 tuần tuổi.

Như chị Nga, ban đầu, vợ chồng chị Vân cũng phải nói dối gia đình, chỉ đến khi thành công chị mới dám nói thật rằng, mình chữa vô sinh ở Bệnh viện Bưu Điện, một bệnh viện ngành. Thực ra, bản thân vợ chồng chị cũng e ngại khi tìm đến đây, nhưng chị bảo, ngay lần đầu tiên đặt chân đến phòng khám, vợ chồng chị đã thay đổi cách nghĩ và xem đó như một duyên may.

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội: ở Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp khó khăn khi muốn sinh con. Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. 


Yêu thương thắp lên hy vọng

Điều mà chị Trần Thị Hải Vân ngạc nhiên là các bác sĩ ở đây nhớ hết tên từng bệnh nhân đến khám. “Mình có cảm giác các anh chị ấy không chỉ là bác sĩ mà là người bạn đồng hành cùng với mình trên con đường này, tìm niềm vui, hạnh phúc cho mình, lo cho mình từng ly từng tý như là ruột thịt”.

Lúc thai nhi trong bụng được 6 tuần tuổi thì dọa sẩy. Hai vợ chồng hoang mang đến cực độ, bước lên bàn siêu âm mà chân tay run lẩy bẩy. “Lúc ấy, cô Nhã (bác sĩ Bệnh viện Bưu Điện – PV) đã cầm lấy tay mình và bảo: Lạy chúa phù hộ cho Vân không làm sao! Mình ấn tượng mãi, nhớ mãi câu nói đó… Bất kể có dấu hiệu gì bất thường, mình đều gọi điện cho cô và được cô hướng dẫn, an ủi, động viên”.

Hạnh phúc vô bờ bến của chị Phương Lê khi được làm mẹ

Ôm cậu con trai 4 tháng tuổi kháu khỉnh, chị Nguyễn Phương Lê, giảng viên trường Đại học Hà Nội hoan hỉ: “Các bác sĩ, ai cũng thân thiện, tình cảm, làm mình yên tâm hẳn lên. Có băn khoăn gì là hỏi được hết, kể cả gọi điện thoại, đều được chỉ dẫn tận tâm. Thậm chí là liên lạc qua facebook, rất tiện lợi. Bất kể đêm hôm, lúc nào mình gọi điện là bác sĩ nhấc máy, mình lo lắng thì các anh chị động viên. Hôm chuyển phôi, cả 4 bác sĩ nhắn tin cho mình cùng một lúc, có cảm giác mình như là người nhà của các anh chị ấy”.

Chị Lê nói vui, “hành trình kiếm con của vợ chồng chị y như một chuyện cổ tích kết thúc có hậu: “Hồi đầu, được giới thiệu với bác sĩ Cương (bác sĩ Bệnh viện Bưu điện – PV), mình cũng nghi ngờ, phân vân lắm. Thứ nhất, Bệnh viện Bưu điện không có tiếng về hỗ trợ sinh sản. Thứ hai, bác sĩ Cương còn rất là trẻ, sinh năm 1982... Nhưng qua quá trình chữa trị, tự nhiên thấy yên tâm, tin tưởng. Thử que thấy có thai, người đầu tiên mình thông báo là anh Cương. Tên em bé, mình cũng đặt theo tên bác sĩ, anh Cương là Đức Cương thì tên bé nhà mình là Đức Minh. Có những bác sĩ như thế, con đường tìm kiếm đứa con của những người kém may mắn như mình sẽ bớt nhọc nhằn”.

Thêm cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

TS Đỗ Văn Tráng, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cho biết: Trước nhu cầu  khám và điều trị hiếm muộn ngày một tăng cao, ngay từ năm 2005, bệnh viện đã cử bác sĩ đi đào tạo về Hỗ trợ sinh sản tại các bệnh viện lớn ở trong và ngoài nước, đồng thời đầu tư trang thiết bị hiện đại. Từ năm 2008, Bệnh viện tiến hành điều trị hiếm muộn, thực hiện những kỹ thuật như IUI (bơm tinh trùng vào buồng trứng). Với sự trợ giúp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ tháng 3/2010, các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện triển khai thực hiện kỹ thuật IVF (thụ tinh ống nghiệm).  

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, hiện nay, Bệnh viện Bưu điện đã triển khai hầu hết các kỹ thuật như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), IVF/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), kỹ thuật PESA/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn)…Do đó, đã mở ra hy vọng thành công cho hầu hết các nguyên nhân vô sinh mà trước kia tưởng chừng như bó tay như trường hợp tinh trùng quá yếu, xét nghiệm không thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch… Tỷ lệ thành công hiện nay của trung tâm được thống kê tháng thấp nhất là  41%, tháng cao lên tới  51%.

Tuy nhiên, điều trị vô sinh, ngoài kỹ thuật còn có yếu tố may mắn. Song, bác sĩ Nhã cho rằng, “sự hiệp đồng tác chiến ăn ý vì người bệnh” của tập thể y bác sĩ, những người trực tiếp tham gia điều trị tại Trung tâm cũng là 1 trong những yếu tố tạo nên thành công. Bác sĩ Nhã chia sẻ: “Tất cả các khâu  không bao giờ để một người làm, đều phải có hai người để kiểm tra, giám sát lẫn nhau, để xem người này làm có sơ sẩy hay không. Duy trì chất lượng luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu”.

Thành công trong điều trị vô sinh của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện đã thêm một cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể kiếm được “của để dành”.

Tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh, giảm thiểu đối đa biến chứng với bệnh nhân, góp phần đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn là cái đích hướng tới của các bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện./.

- Trong điều trị vô sinh, Việt Nam đã ngang tầm quốc tế, theo đánh giá của các chuyên gia y tế. Không chỉ thành công với kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm,  mà Việt Nam còn thành công trong nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung, kỹ thuật nuôi phôi dài ngày, kỹ thuật phôi thoát màng, nuôi cấy tinh trùng từ tinh tử, kỹ thuật sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ (phát hiện phôi tốt hay phôi có gen bệnh lý)…

 - Đến nay, đã có nhiều Trung tâm hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh thành công như: BV Phụ sản Từ Dũ, Tp Hồ Chí Minh, BV Phụ sản Trung ương, BV Bưu Điện, Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y,  BV Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Protein cải thiện khả năng thụ thai cho nam giới vô sinh
Protein cải thiện khả năng thụ thai cho nam giới vô sinh

(VOV)- Protein tinh dịch giúp khởi động tất cả các quy trình sinh học cần thiết để phát triển phôi thai.

Protein cải thiện khả năng thụ thai cho nam giới vô sinh

Protein cải thiện khả năng thụ thai cho nam giới vô sinh

(VOV)- Protein tinh dịch giúp khởi động tất cả các quy trình sinh học cần thiết để phát triển phôi thai.

Phương pháp mới giúp phụ nữ vô sinh có con
Phương pháp mới giúp phụ nữ vô sinh có con

VOV.VN - Lần đầu tiên một phương pháp sinh sản mới đã được ghi nhận ở Nhật Bản. 

Phương pháp mới giúp phụ nữ vô sinh có con

Phương pháp mới giúp phụ nữ vô sinh có con

VOV.VN - Lần đầu tiên một phương pháp sinh sản mới đã được ghi nhận ở Nhật Bản. 

Tư vấn: Chữa vô sinh bằng phương pháp cấy chỉ
Tư vấn: Chữa vô sinh bằng phương pháp cấy chỉ

VOV.VN - Chuyên gia tư vấn, BS Việt kiều Lê Thúy Oanh-người đã nghiên cứu, áp dụng thành công “phương pháp cấy chỉ” chữa vô sinh.

Tư vấn: Chữa vô sinh bằng phương pháp cấy chỉ

Tư vấn: Chữa vô sinh bằng phương pháp cấy chỉ

VOV.VN - Chuyên gia tư vấn, BS Việt kiều Lê Thúy Oanh-người đã nghiên cứu, áp dụng thành công “phương pháp cấy chỉ” chữa vô sinh.