Phòng bệnh sởi – quai bị - Rubella bằng vaccine
Quai bị và Rubella là 2 bệnh hay xuất hiện cùng thời điểm với bệnh sởi. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa là tiêm phòng vaccine.
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm do virut. Đôi khi bệnh còn gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai.
Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ mới lớn, từ 5 – 9 tuổi. Nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Khi đó nhiều biến chứng nguy hiểm sẽ xảy ra. Ở vùng có tiêm vaccine thì bệnh thường gặp ở trẻ lớn hơn là trẻ nhỏ.
Virut quai bị có ở mọi nơi. Bệnh quai bị lây qua những giọt nhỏ không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho và do tiếp xúc trực tiếp người mang mầm bệnh.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh:
Khoảng 1/3 trẻ nhiễm virut quai bị không có triệu chứng. Triệu chứng thường xuất hiện bắt đầu từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 21 sau khi nhiễm trùng. Sưng tuyến nước bọt phía dưới và trước tai là triệu chứng khác gồm đau khi nhai hoặc nuốt, sốt, mệt mỏi, tinh hoàn sưng và đau.
Người bệnh quai bị có thể lây nhiễm cho người khác kể từ 6 ngày trước và 9 ngày sau khi có dấu hiệu sưng tuyến mang tai.
Biến chứng của bệnh quai bị ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng: Ở nam giới, thanh niên viêm tinh hoàn có thể 1 hoặc 2 bên, có thể gây vô sinh. Viêm não, viêm màng não và điếc là những biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Không có điều trị đặc hiệu bệnh quai bị. Sau khi khỏi, người bệnh có miễn dịch đặc hiệu suốt đời.
Phòng bệnh quai bị: Tiêm chủng vaccine quai bị an toàn và hiệu quả cao.
Bệnh Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh
Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm do virut gây ra. Hội chứng Rubella bẩm sinh là nguyên nhân quan trọng gây ra các khuyết tật trầm trọng cho trẻ sơ sinh. Khi người phụ nư bị nhiễm virut Rubella ở giai đoạn đầu trong 3 tháng đầu của quá trình mang thai,có tới90% số trường hợp người mẹ có thể truyền virut sang thai nhi. Hậu quả thainhi bị chết hoặc có thể gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Nếu như ở trẻ nhỏ nhiễm Rubella chỉ biểu hiện nhẹ, thì ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ phải chịu những dị tật nặng nề. Ngoài điếc là dị tật thường gặp, hội chứng Rubella bẩm sinh còn có dị tật ở mắt, tim và não. Ước tính hàng năm trên thế giới có 700.000 trẻ em bị chết vì hội chứng Rubella bẩm sinh.
Bệnh Rubella lây truyền bởi các giọt nước bọt trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Người bệnh trở thành nguồn lây sau 5 – 7 ngày kể từ khi virut xâm nhập vào cơ thể người mẹ, nếu người bệnh là phụ nữ có thai trong thời gian này có thể truyền virut sang thai nhi.
Người bị nhiễm virut có khả năng lây truyền cao nhất trong thời kỳ phát ban. Tuy nhiên, virut có thể lây truyền trước và sau phát ban7 ngày.
Trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể lây truyền virut trong khoảng thời gian một năm hoặc hơn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh:
Thời gian ủ bệnh ban đầu khoảng 14 ngày. Triệu chứng thường nhẹ nên khoảng 20 – 50% số người mắc bệnh thường không chú ý cho tới khi phát ban.
Ở trẻ em, ban thường là dấu hiệu đầu tiên, các dấu hiệu khác gồm sốt nhẹ và sưng hạch ở cổ. Ban thường xuất hiện ở mặt và lan dần xuống chân. Thời gian phát ban thường kéo dài khoảng 3 ngày. Ban do Rubella thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban sởi. Nhiều bệnh khác có phát ban tương tự như Rubella cho nên không được xem là dấu hiệu chắc chắn của nhiễm virut Rubella.
Trẻ có hội chứng Rubella bẩm sinh thường có những dấu hiệu như đục thủy tinh thể và giảm thính giác nhưng chỉ có thể nhận thấy từ 2 – 4 năm sau.
Biến chứng có xu hướng xảy ra ở người lớn hơn là trẻ em. Khoảng 70% phụ nữ bị nhiễm trùng có thể đau hoặc viêm khớp đặc biệt ở ngón tay, cổ tay và đầu gối. Viêm não xảy ra khoảng 1/5000 trường hợp và thường gặp nhất ở phụ nữ. Xuất huyết xảy ra khoảng 1/3000 trường hợp ở trẻ em.
Biến chứng của hội chứng Rubella bẩm sinh gồm điếc, đục thủy tinh thể, bệnh tim và chậm phát triển trí tuệ.
Điều trị bệnh Rubella:
Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh. Bệnh nhân cần uống nhiều dịch và thuốc hạ sốt. Trẻ nhỏ bị hội chứng Rubella bẩm sinh cần được điều trị những biến chứng do bệnh gây ra.
Phòng bệnh Rubella:
Vaccine Rubella an toàn hiệu quả, khi được dùng cho trẻ em thường phối hợp với vaccine sởi và quai bị. Ở một số nước phát triển bệnh Rubella gần như đã được loại trừ nhờ chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm đạt được và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ trên 80% nhằm tránh sự lây truyền của Rubella sang tuổi lớn hơn. Để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh, nữ tuổi sinh đẻ là những đối tượng đầu tiên đối với tiêm vaccine Rubella. Tiêm chủng cho nữ 15 – 40 tuổi sẽ làm giảm nhanh tỷ lệ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh, không có sự lây truyền của virut Rubella sang trẻ lớn.
Tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi- Rubella – quai bị
Vaccine sởi – Rubella (MR) và vaccine sởi – quai bị - Rubella (MMR). Đây là các vaccine phối hợp giữa sởi với Rubella (MR) phòng bệnh sởi và Rubella; vaccine MMR phòng bệnh sởi, quai bị và Rubella.
Vaccine MR và MMR được đóng gói dưới dạng đông khô với dung môi pha hồi chỉnh kèm theo và bắt buộc phải thực hiện pha hồi chỉnh v accin trước khi sử dụng. Chỉ sử dụng lọ dung môi đi kèm với vaccine.
Saukhi pha hồi chỉnh, vaccine MR và MMR vẫn phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8oC và huỷ bỏ những liều còn thừa trong lọ sau 6 giờ hoặc kết thúc buổi tiêm chủng.
Tính an toàn và những phản ứng sau tiêm vaccine
Những phản ứng nhẹ có thể gặp:
- Sốt: Đối với riêng vaccine sởi, khoảng 5 – 15% trẻ bị sốt nhẹ trong vòng 5 – 12 ngày sau tiêm.
- Ban: Khoảng 1/20 trẻ có biểu hiện ban nhẹ xuất hiện từ 5 – 12 ngày sau khi tiêm.
Những phản ứng nặng hiếm gặp:
- Khi tiêm vaccine Rubella có thể dẫn tới tình trạng viêm khớp tạm thời sau khi tiêm 1 – 3 tuần với tỷ lệ lên đến ¼ nữ tuổi dậythì. Những phản ứng này rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
-Tiêm vaccine quai bị có thể dẫn tới tình trạng viêm tuyến nước bọt mang tai và viêm não nước trong (viêm não vô khuẩn) nhưng hiếm gặp. Một vài trường hợp có thể phải đến bệnh viện nhưng đa số có thể tự hồi phục. Những nguy cơ này khác nhau tuỳ thuộc vào chủng được sử dụng để sản xuất vaccine.
Tiêm chủng là biện pháp tích cực và hiệu quả phòng bệnh sởi – Rubella – quai bị./.