Phòng tránh bệnh tai biến mạch não

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ,  hai chuyên gia là Giáo sư Phạm Gia Khải và Giáo sư Lê Đức Hinh đã giúp bạn đọc có những kến thức cơ bản nhằm hạn chế tác hại của tai biến mạch não

Tai biến mạch máu não (TBMMN), xuất huyết não (đột quỵ) là nguyên nhân đứng hàng thứ ba dẫn đến tử vong và là nguyên nhân quan trọng gây tàn tật ở Việt Nam. Điều đáng báo động, đối tượng mắc bệnh đang ngày càng trẻ hoá, trong đó có cả trẻ em và trẻ sơ sinh. Nhiều thanh niên  khoẻ mạnh đang làm việc ở nhà, đang đi đường hoặc tập thể thao... cũng bị đột quỵ, không rõ nguyên nhân. Khác với TBMMN ở người già chủ yếu do cao huyết áp, tiểu đường, xơ vỡ động mạch... còn ở người trẻ chủ yếu do nguyên nhân về não và tim mạch, trong đó não chiếm đa số.

Nếu phát hiện và điều tri sớm, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh những di chứng nặng nề.

Theo GS-TS Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam: làm cho mọi người dân biết cách đề phòng tất cả các loại bệnh có thể xảy ra thì cũng là cách gián tiếp giúp hạn chế tác hại của tai biến mạch não.

Các chuyên gia: Anh hùng Lao động, Giáo sư Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội tim mạch ASEAN; Giáo sư - Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, giải đáp thắc mắc của bạn đọc.

* Thưa GS Phạm Gia Khải, cứ sáng ngủ dậy tôi rất khó thở và mệt mỏi, thỉnh thoảng bị mỏi người. Liệu có phải tôi bị bệnh tim không? Và khi bị tim thì có nguy cơ bị đột quỵ không? Xin cảm ơn giáo sư. (Vương Miến, 30 tuổi, Thanh Hà Hải Dương).

- GS, TS Phạm Gia Khải: Nếu khó thở thì phải xác định rõ vì có rất nhiều loại. Nếu khi nằm gối đầu thấp khó thở, nằm đầu cao đỡ hơn thì thường là do bệnh tim. Nếu nằm cả thấp và cao mà khó thở thì là do bệnh phổi hoặc bệnh tim đến giai đoạn nặng.

Trường hợp của bạn khó thở có thể là do khi nằm ngủ không được thoải mải. Ngoài ra, máu không lưu thông đều thì có cảm giác mệt mỏi. Khi ngủ dậy hoặc làm các động tác vận động mà hết cảm giác mệt mỏi đó thì không phải là bệnh lý.

Không phải người bị bệnh tim nào cũng có nguy cơ đột quỵ. Những người tăng huyết áp hoặc bị bệnh van tim có loạn nhịp tim thì có nguy cơ bị đột quỵ hơn.

* Thưa giáo sư, chồng tôi năm nay 45 tuổi, thường xuyên bị áp huyết cao. Nếu bị bệnh này lâu không chữa trị thì có bị đột quỵ không? Xin cảm ơn.

Giáo sư Phạm Gia Khải
- GS, TS Phạm Gia Khải: Chồng chị bị cao huyết áp mà không chữa trị thì có nhiều nguy cơ xảy ra các tai biến như: Đột quỵ, suy tim, loạn nhịp tim, suy thận, mờ mắt do chảy máu võng mạc. Do đó, chồng chị phải điều trị sao cho con số huyết áp xuống tới mức cần thiết do thầy thuốc nhận xét. Cao huyết áp cần phải được chữa trị lâu dài và kiên trì.

* Xin chào giáo sư Phạm Gia Khải và Giáo sư Lê Đức Hinh. Tôi rất ngưỡng mộ làn da, sức khoẻ và sức làm việc dẻo dai của 2 giáo sư. Xin giáo sư có thể cho biết bí quyết cách luyện tập và chế độ dinh dưỡng của 2 giáo sự ạ. Xin cảm ơn. (Hoàng Yên 50t, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).

- GS, TS Phạm Gia Khải: Kinh nghiệm của mỗi người mỗi khác nhưng cũng có cái chung. Khác nhau là vì cơ địa mỗi người mỗi khác, sinh hoạt cũng khác nhau. Điểm chung là phải điều độ trong sinh hoạt, luyện tập và trong dinh dưỡng.

Về dinh dưỡng: Cố gắng đảm bảo chế độ ăn cân đối có thịt động vật và thực vật, phải có rau (400g/ngày), mỡ (phải có sự cân đối giữa mỡ động vật và thực vật), ăn vừa phải, không quá no. Bữa tối nên ăn nhẹ. Bữa trưa ăn vừa phải. Bữa sáng ăn vừa phải hoặc nhiều một chút cũng được. Không nên ăn chuối vào buổi tối.

Về tập luyện: Phải đảm bảo ít nhất có từ 30-40 phút luyện tập về thể lực. Nếu không có thời gian thì nên dành 30-40 phút để đi bộ nhanh. Nếu tập Yoga hay võ thì phải có người hướng dẫn cho mình không sẽ nguy hiểm cho mình. Buổi sáng sớm nên xoa bóp cổ một chút thì sẽ làm cho máu lưu thông.

* Bác sĩ ơi, mẹ tôi có triệu chứng run chân tay, sau đó người bị lịm dần, thỉnh thoảng bị thấp áp huyết. Người nhà tôi đã dùng cao để cạo gió cho nó nóng người lên, sau đó đưa đi bệnh viện. Mấy ngày sau mẹ tôi bị liệt và không ăn uống được phải bơm cháo bằng kim tiêm. Tôi muốn biết có phải mẹ tôi bị đột quỵ không? Cách chữa đột quỵ như thế nào?

- GS, TS Phạm Gia Khải: Trường hợp của mẹ bạn rất có thể bị đột quỵ. Chứng run chân tay mà bị liệt thì có dấu hiệu bị đột quỵ. Áp huyết thấp mà thỉnh thoảng lịm dần đi thì phải cẩn thận vì có khả năng tổn thương động mạch vành.

Bạn cần đưa mẹ đi kiểm tra động mạch vành.

* Bác sĩ ơi, mẹ tôi năm nay 65 tuổi. Thỉnh thoảng mẹ tôi bị tức ngực và nhói. Liệu mẹ tôi có phải bị tim hay không? Xin chân thành cảm ơn. (Thu Hiền, Khâm Thiên, Hà Nội).

- GS, TS Phạm Gia Khải: Thống kê ở phụ nữ Việt Nam thì triệu chứng về bệnh tim do tổn thương động mạch vành thường không rõ ràng, thỉnh thoảng đau nhói ngực rồi hết nhưng thường thường là mệt mỏi. Đến khi khám bệnh thì mới biết là động mạch vành.

Trường hợp của mẹ chị nên đi khám tim để xem có phải bị động mạch vành hay không.

* Xin hỏi Bác sĩ, người có huyết áp cao thì hạn chế ăn nhiều đạm. Người bị tiểu đường thì hạn chế ăn tin bột. Vậy, nếu người bị mắc cả 2 chứng bệnh đó thì nên ăn theo chế độ nào? (daonguyen...)

- GS, TS Phạm Gia Khải: Nếu bị huyết áp cao và tiểu đường thì phải hạn chế ăn chất đạm và tinh bột. Vì vậy, khi ăn cơm thì chỉ ăn 1 bát và nên ăn thêm rau. Nếu dùng đạm thì nên ăn đậu phụ, cá đồng, hạn chế ăn mỡ động vật, hạn chế ăn mặn.

* Xin giáo sư cho biết, dinh dưỡng không tốt có phải là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ không? Xin giáo sư cho biết như thế nào được gọi là dinh dưỡng hợp lý? (Minh Tám, Trung Hoà Nhân Chính, Hà Nội)

GS Lê Đức Hinh
- GS Lê Đức Hinh: Theo chúng tôi dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho sức khoẻ của mọi người. Ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra đột quỵ não là biểu hiện của tai biến mạch não. Dinh dưỡng không tốt có thể là một yếu tố liên quan nhưng những yếu tố nguy cơ chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu),… Như vậy cần chú ý dinh dưỡng phù hợp với nhóm tuổi, sức khoẻ cá thể và bệnh tật cá nhân.

Nói chung chế độ dinh dưỡng cần cân đối, khẩu phần hợp lý, đảm bảo đủ năng lượng cho hoạt động bình thường hàng ngày. Khi có bệnh tật, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc điều trị về chế độ ăn uống.

* Bác sĩ ơi, theo tôi biết thì người bị huyết áp cao thì thường có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Vậy người có huyết áp thấp có bị tai biến không? (dao bich)

- GS, TS Phạm Gia Khải: Huyết áp thấp thì máu lên não ít nhưng lại nhiều khả năng bị tắc mạch và gây liệt. Hiện tượng một số người bị loạn nhịp tim, huyết áp thấp thì yếu nửa người trong cơn loạn nhịp. Điều này chứng tỏ máu lên não ít do không đều thì những trường hợp đó có thể có đột quỵ. Ngay trong cấp cứu tăng huyết áp mà có đột quỵ, chúng ta nên thận trọng khi cho thuốc giảm huyết áp. Chúng ta chỉ nên cho thuốc giảm huyết áp tới mức huyết áp tối đa xấp xỉ 150mmHg. Nếu cho xuống thấp nhiều quá thì có khả năng não thiếu máu và tình trạng liệt nặng lên.

* Cho tôi hỏi, bệnh đột quỵ ở người trẻ dễ mắc nhất là khi nào? Cách phòng tránh? Phải kiêng cữ những gì?

- GS, TS Phạm Gia Khải: Nếu đo huyết áp 24h, trung bình 1 giờ đo 1 lần bằng máy tự động mắc trên người bệnh nhân thì ta sẽ thấy con số huyết áp đó thay đổi trong ngày. Thường thì ban đêm huyết áp hạ xuống thấp hơn ban ngày và ở người không có bệnh tăng huyết áp, con số huyết áp thường không tới 140mmHg/90mmHg.

Trong trường hợp thay đổi sinh hoạt: Uống rượu nhiều, nhảy nhiều, dùng thuốc lắc hoặc quan hệ sinh lý thì huyết áp có thể cao. Nhịp tim có thể nhanh và tai biến mạch máu não có thể xảy ra mặc dù tuổi còn trẻ vì khi đó thần kinh bị kích hoạt mạnh bởi vì thần kinh là một yếu tố cấu thành huyết áp.

* Tôi bị tụ máu ở não 1 lần và tiến hành phẫu thuật một lần ở BV Việt Đức. Vậy làm ơn cho tôi hỏi cách phòng bệnh như thế nào? (docgia@gmail.com) Mai Thúc Loan - Nho Quan Ninh Bình

- GS, TS Phạm Gia Khải: Nếu bạn có huyết áp cao thì phải kiên trì, kéo dài và đạt đến con số huyết áp mục tiêu trong chế độ ăn uống, sinh hoạt. Bạn đã bị tụ máu não rồi thì huyết áp có cao hay thấp thì vẫn phải giữ chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý. Đặc biệt, không được ở tư thế thay đổi áp lực đột ngột.

* Bác sĩ cho tôi hỏi, bị cao huyết áp và đột quỵ thì có nên kiêng quan hệ vợ chồng không? Xin cảm ơn (một thính giả dấu tên)

- GS, TS Phạm Gia Khải: Khi mới mắc đột quỵ do cao huyết áp, thường huyết áp không ổn định, khi cao khi thấp thì lúc đó tất cả mọi xúc cảm mạnh, tất cả mọi stress đều nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nên kiêng quan hệ sinh lý trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu huyết áp đã ổn định, tình trạng tim được kiểm soát thì có thể quan hệ vợ chồng được nhưng với mức độ và sức khỏe cho phép.

* Giáo sư cho biết cách sơ cứu khi bị đột quỵ? (Phương Lan 40t, Khu đô đạc bản đồ, TP HCM)

- GS Lê Đức Hinh: Đột quỵ não là tình trạng bệnh nhân bị mất chức năng não cục bộ cấp tính, khi đó có thể bị yếu vận động, hoặc rối loạn cảm giác ở một phần cơ thể như mặt, tay hoặc chân, nói năng khó khăn, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, mờ mắt, choáng váng hoặc nhức đầu và ý thức có thể bị rối loạn. Đột quỵ não có thể xảy ra do chảy máu não hoặc nhồi máu não. Đây là một tình trạng cấp cứu, tốt nhất tiến hành tại một cơ sở y tế. Tuy nhiên, khi sơ cứu cần hết sức bình tĩnh. Nên để bệnh nhân ở tư thể nằm nghỉ, đo huyết áp, giữ thông thoáng đường thở, không nên cho ăn uống hoặc dùng các thuốc không cần thiết, đồng thời báo cho các trạm y tế cấp cứu 05 của thành phố để chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị thích hợp.

* Vừa qua tôi có cháu công tác ở Trung Quốc về cho mấy viên thuốc Angong Niuhuang Wan (tôi chỉ ghi chữ Latinh kèm theo chứ không biết gì về chữ Trung Quốc). Các cháu có nói với tôi là uống loại thuốc này có  thể phòng được bệnh Tai biến mạch máu não. Tôi muốn được các Giáo sư cho biết về tác dụng thực của loại thuốc này cũng như cách dùng. (Trịnh Hữu Lý, Email: trinhhuuly@...)

- GS Lê Đức Hinh: Loại thuốc Trung Quốc bác đề cập đến là "An cung ngưu hoàng hoàn"  thường được bào chế dưới dạng viên tròn nhỏ màu đen. Theo Đông y loại này có tác dụng chống các cơn co giật ở trẻ em. Tuy nhiên, những năm gần đây thuốc còn được dùng để hỗ trợ điều trị tai biến mạch não ở các cơ sở y học cổ truyền. Thuốc này được sử dụng theo hướng dẫn của chuyên khoa.

* Bác gái tôi năm nay 65 tuổi, vừa bị tai biến mạch não mà ban đầu không biết vì bác chỉ thấy như bị đau nửa đầu thôi. Vậy xin các bác sĩ cho biết những triệu chứng của tai biến mạch não dạng nhẹ như thế nào và ai là những đối tượng có nguy cơ bị tai biến?

- GS, TS Phạm Gia Khải: Tai biến mạch máu não là tình trạng gián đoạn một phần hoặc toàn bộ dòng máu qua động mạch tới một phần của não. Nguyên nhân có thể là tắc mạch do huyết khối hoặc là do xơ vữa động mạch có huyết khối bám, hoặc do thuyên tắc mạch máu não từ tim lên, hoặc do vỡ động mạch não.

Triệu chứng nặng nhẹ khác nhau tùy mức độ gián đoạn tuần hoàn não. Trường hợp điển hình là: Liệt nửa người, đột ngột hoặc từ từ (trong vòng vài giờ tới 1 ngày). Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ liệt một số cơ ở mặt, cổ hoặc các chi và bệnh nhân không biết là mình bị liệt.

Trong trường hợp bác gái của bạn tuổi đã 65, đau nửa đầu nếu lúc đó được khám về tim mạch, đo huyết áp thì có thể sớm chẩn đoán được tai biến mạch máu não.

Đối tượng có nguy cơ tai biến mạch máu não như đã nói là những người có bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp tim, có bệnh van tim.

* Bác sĩ ơi, tại sao bây giờ bệnh đột quỵ lại gia tăng ở thanh niên mà không phải là những người già ạ? Xin cảm ơn bác sĩ. (Thuận Hải, 25 tuổi, Hà Nội)

- GS Lê Đức Hinh: Tai biến mạch não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, phần lớn trường hợp gặp ở người cao tuổi. Ở người ngoài 60 tuổi nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn đột quỵ não như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường… Ở thanh niên và trung niên có thể do dị dạng mạch máu não, nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh huyết học, bệnh tim mạch. Ở trẻ em có thể do dị dạng mạch máu não, bệnh huyết học.

* Xin chào Giáo sư Gia Khải và Đức Hinh. Chúc các bác mạnh khoẻ và vui vẻ để phục vụ nhân dân ạ. Tôi có một câu hỏi như sau: Cả gia đình gồm: bà ngoại, bác, mẹ và tôi đều bị tiểu đường. Tôi nghĩ đây là bệnh di truyền của gia đình tôi. Bệnh này rất dễ dẫn đến bệnh đột quỵ. Tôi muốn bác sĩ cho chúng tôi lời khuyên về cách ăn uống cũng như luyện tập để tránh dẫn đến đột quỵ. Hiện tại, chúng tôi hầu như không ăn những đồ ngọt, ăn ít thịt, cá và chủ yếu là ăn nhiều rau và uống nhiều nước lọc. Vậy theo bác sĩ chúng tôi ăn uống như thế có hợp lý không? xin cảm ơn (Hương Lan 39tuổi, Hào Nam, Hà Nội).

- GS Lê Đức Hinh: Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường trước hết cần dùng thuốc theo chỉ định của chuyên khoa nội tiết. Chế độ ăn uống cần được căn cứ vào thực trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh tật của từng người. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn.

* Thưa Giáo sư, nghe nói hiện nay có 1 loại thuốc của Trung Quốc, giá tới mấy triệu/viên, dành cho các bệnh nhân tai biến mạch não thì uống ngay sẽ chống được triệu chứng xấu. Có đúng không ạ? (Nguyễn Viết Hải)

- GS Lê Đức Hinh: Bạn nên cho biết tên thuốc thật cụ thể. Nếu là thuốc đông y bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y học cổ truyền.

* Xin hỏi Giáo sư, nếu bị thiểu năng tuần hoàn, đôi khi ở dạng tiền tai biến, có cách phòng tránh hiệu quả nhất? (Hoàng Hướng)

GS Lê Đức Hinh: Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng giảm tưới máu não kéo dài (mạn tính, phần lớn gặp ở người lớn tuổi. Nguyên nhân thường do vữa xơ mạch não và có thể kèm theo một số bệnh khác như tăng huyết áp, bệnh phối mãn tính, rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường. Đôi khi có thể bệnh nhân thấy choáng váng, chóng mặt, mất thăng bằng, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc không ổn định… Do đó, ở người trung niên nên có chế độ ăn uống, lao động, tập luyện, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý. Ở người cao tuổi cần đi khám sức khỏe để phát hiện bệnh và xử trí phù hợp theo khuyến cáo của thầy thuốc.

* Xin hỏi tôi 50 tuổi huyết áp bình thường; điện não, điện tim bình thường, citi cắt lớp não bình thường. Tuy nhiê, thỉnh thoảng vài tháng có một lần bỗng thấy choáng váng sắp ngã chỉ vài mươi giây trở lại bình thường. Hoặc có khi đầu đau nhức khó chịu thậm chí kèm buồn nôn xảy ra vài tiếng đhồ rồi tự khỏi. Tôi có đi bệnh viện kiểm tra thường xuyên vẫn không phát hiện gì? Bác sĩ cho tôi lời khuyên!!! (Lê Quang Vỵ <cafedocongphat@gmail.com>

- GS Lê Đức Hinh: Những cơn choáng váng, nhức đầu của bác có thể liên quan đến tình trạng mạch máu ở não co bóp không ổn định. Mặt khác có thể liên quan tư thế đầu cổ và cả yếu tố biến động của thời tiết. Bác nên đi khám chuyên khoa tim mạch và thần kinh.

* Anh trai tôi năm nay 60 tuổi. Sức khỏe rất tốt, tim mạch, huyết áp hơi thấp. Anh tôi thường xuyên uống rượu vào các bữa ăn. Một tối, anh tôi không uống rượu, và tự nhiên lên cơn đột quỵ, liệt nửa người. Sau khi đưa vào BV, kết luận của BS là bị nghẽn mạch máu não do có cục máu đông. Xin BS cho biết, liệu có phải do anh tôi dừng uống rượu mà bị như vậy không?

- GS Lê Đức Hinh: Bệnh mạch máu não của anh trai bạn có thể liên quan đến uống rượu nhưng mặt khác còn cần chú ý đến tình trạng của các thành phần trong máu, hình thái của các động mạch đó. Ngoài ra, những yếu tố như mệt mỏi, quá sức, căng thẳng lo lắng trong thời gian trước khi xảy ra tai biến cũng cần được xem xét.

* Xin Giáo sư cho biết khi có triệu chứng của TBMMN có thể dùng phương pháp can thiệp mạch trong trưòng hợp nào và thời gian nào là tốt nhất? Giá thành của can thiệp mạch khoảng bao nhiêu tiền? Xin cảm ơn giáo sư. vovandubpqn@gmail.com

GS Lê Đức Hinh: Một số thể lâm sàng của bệnh lý mạch não có thể điều trị bằng phương pháp can thiệp mạch như: túi phình mạch não, dị dạng thông động – mạch não. Thời gian can thiệp mạch tốt nhất là khi mạch máu chưa bị vỡ.

* Mẹ tôi bị huyết áp cao và đau đầu. Nhờ uống thuốc huyết áp đều nên triệu chứng huyết áp có giảm. Tuy nhiên, mẹ tôi thường xuyên bị đau đầu và rất hay bị cảm. Tôi không biết đây có phải là do huyết áp gây nên hay do nguyên nhân nào khác?

- GS, TS Phạm Gia Khải: Một người cao tuổi thường có nhiều bệnh. Nếu mẹ bạn thường xuyên bị đau đầu mà rất hay bị cảm thì ngoài việc uống thuốc huyết áp đều để làm giảm số huyết áp tới mức mục tiêu (chấp nhận được), mẹ bạn phải khám tai mũi họng xem có bị bệnh viêm xoang mặt không. Nếu đau nửa đầu thì đó là bệnh Migraine (đau nửa đầu) do rối loạn vận mạch não thì có thể dùng thuốc để điều trị.

* Bố tôi bị bệnh viêm đa khớp và thoái vị đĩa đệm đã lâu. Bố tôi đã chữa chạy và uống thuốc rất nhiều nơi nhưng không đỡ. Rất mong giáo sư cho lời khuyên?

- GS, TS Phạm Gia Khải: Trước hết, bố bạn đã dùng những thuốc gì để chữa bệnh viêm đa khớp và thoát vị đĩa đệm. Nếu theo các chuyên gia về bệnh khớp, bố bạn đã dùng các biện pháp tốt về thuốc men mà không đỡ thì đặc biệt đối với bệnh thoát vị đĩa đệm phải nghĩ tới giải pháp phẫu thuật để giải phóng thần kinh vận động chi dưới, vùng cột sống.

Bạn nên đưa bố khám bệnh ở khoa Khớp, chụp cột sống cộng hưởng từ để khảo sát tổn thương đĩa đệm nhằm xét khả năng điều trị nội hoặc ngoại khoa

* Thưa bác sĩ, chồng tôi bị thừa axít uric và nhiều cholesterol. Hiện nay, chồng tôi hầu như ăn chay để giảm 2 triệu chứng trên, thỉnh thoảng ăn thịt có màu trắng và nhiều rau. Vậy xin bác sĩ cho chồng tôi lời khuyên về cách ăn uống hợp lý. Xin cảm ơn.

- GS, TS Phạm Gia Khải: Chồng của bạn như thế là biết giữ sức khỏe. Thừa axit uric không nên ăn thịt nhiều, đặc biệt là thịt đỏ, hải sản, nội tạng thú vật. Nếu tăng cholesterol thì ngoài những thứ trên phải hạn chế không ăn nhiều mỡ động vật, không ăn nhiều đường. Trong chế độ ăn của người thừa axit uric và cholesterol nên dùng đạm của thực vật như đậu phụ, một số củ, không được uống cà phê, chè đặc, rượu các loại. Cho nên, chế độ ăn của chồng bạn có thể bổ sung các chất thiếu đó.

*  Mấy ngày nay ,trước mắt tôi , phía bên phải xuất hiện một bóng đen có hình giống cái diều có đuôi luôn di động . Mở mắt , cũng thấy . Ngắm mắt , vẫn thấy . Vậy , hiện tượng này , do đâu mà có ? Nó có nguy hại không ? cách khám và chữa thế nào ? Nếu phải chữa thì khám và điều trị ở đâu ? Xin trân trọng cảm ơn thầy thuốc. tienbinh_nguyen@yahoo.com

- GS Lê Đức Hinh: Hiện tượng đó có thể liên quan đến thực trạng của mắt như: tật khuất triết (tức cận thị, lão thị), loạn thị, dịch kính ở võng mạch. Bạn nên đi khám ở chuyên khoa mắt ở Viện mắt Trung ương, 80 Bà Triệu, Hà Nội.

* Thưa Giáo sư, em thường bị “tê tê lạnh lạnh” nửa đầu bên phải (thường vào ban đêm). Xin hỏi bác sĩ, em bị chứng bệnh gì? Có liên quan đến chứng đột quỵ không? (Hoài Nam, Hoàng Mai, Hà Nội)

- GS Lê Đức Hinh: Hiện tượng tê tê lạnh nửa đầu bên phải thường vào ban đêm như bạn kể không phải là chứng đột quỵ não. Đây là những biểu hiện của rối loạn vận mạch như co mạch hoặc dãn mạch có thể xảy ra khi thay đồi thời tiết và cả tư thế đầu, cổ khi nằm nghỉ. Bạn không nên nằm hướng đầu về phía gió lạnh (quạt, máy điều hòa, cửa sổ mở  ban đêm).

Cuộc tư vấn kết thúc sau hơn 2 tiếng hồ đã góp phần bổ sung kiến thức giúp bạn đọc hạn chế tác hại của tai biến mạch não.

Nhiều câu hỏi chưa được trả lời, nhưng chúng tôi sẽ gửi những câu hỏi này tới các chuyên gia để trả lời các bạn trong thời gian sớm nhất.

Phòng mạch VOVNEWS xin cảm ơn sự cộng tác của hai Giáo sư Phạm Gia Khải và Lê Đức Hinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên