Phụ nữ nên có thai sau ít nhất 3 tháng chung sống
(VOV) -Nhìn từ quan điểm hệ miễn dịch, thai nhi tương tự như một cơ quan cấy ghép
Đàn ông không chỉ đóng góp tinh trùng để tạo nên thai nhi, một nghiên cứu mới đây cho thấy tinh dịch của đàn ông tác động tốt cho thai nhi thông qua hệ miễn dịch của người phụ nữ mang thai.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide đã tìm thấy một cơ chế chứng minh rằng những người phụ nữ quan hệ tình dục nhiều lần với một bạn tình từ 3 đến 6 tháng, sau đó mới mang thai sẽ giảm được nhiều nguy cơ ngộ độc thai nghén như tiền sản giật và suy thai.
"Từ trước đến nay chúng ta mới nhìn nhận vai trò của tinh trùng trong sự thụ thai. Nhưng tinh dịch cũng có ảnh hưởng quan trọng trong việc an thai”, giáo sư Sarah Robertson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe sinh sản của Đại học Adelaide cho biết.
Nghiên cứu thí nghiệm ở chuột cho thấy nếu chuột “mẹ” thường xuyên tiếp xúc với tinh dịch chuột “bố”, thì trong nó sẽ tăng lên một loại tế bào miễn dịch gọi là “regulatory T cell”, loại tế bào có vai trò quan trọng trong việc giúp hệ thống miễn dịch của người mẹ dung nạp sự tồn tại của thai nhi.
Nghiên cứu ban đầu ở người cho thấy một cơ chế tương tự, giải thích lý do tại sao những người phụ nữ thụ thai trong khoảng thời gian dưới 3 tháng quan hệ tình dục với cha đứa trẻ có nguy cơ bị tiền sản giật. "Không chỉ những phụ nữ có thai sớm sau khi quan hệ tình dục, hay có thai sau ‘tình một đêm”; mà còn cả những phụ nữ dùng các biện pháp tránh thai, ví dụ bao cao su, và sau đó dừng lại, có thai ngay… đều có thể nằm trong nguy cơ đó”- Giáo sư Robertson cho biết thêm.
Cũng giống như cấy ghép nội tạng
Giáo sư Robertson nói rằng nhìn từ một quan điểm miễn dịch, thai nhi cũng tương tự như một cơ quan được “cấy ghép” vào cơ thể người mẹ.
"Thai nhi như là một nhân tố lạ, xuất hiện và tồn tại trong cơ thể phụ nữ suốt 9 tháng và vì vậy cơ thể bạn, hệ miễn dịch của cơ thể bạn phải có cơ chế cho phép dung nạp nhân tố lạ ấy”.
Sự tiếp xúc thường xuyên trong một thời gian dài của cơ thể người mẹ với tinh dịch của người cha có lợi cho cơ chế dung nạp theo hai tác động. Thứ nhất là tác động vào hệ miễn dịch của người phụ nữ để cơ thể nhận biết đặc điểm miễn dịch di truyền riêng biệt của người cha, mặt khác nó cũng tác động tạo một môi trường miễn dịch “dễ dãi” hơn. "Những tín hiệu quen thuộc từ tinh trùng của người cha “thuyết phục” hệ miễn dịch của người mẹ bao dung, chấp nhận và nuôi dưỡng thai nhi”- Giáo sư Robertson nói./.