Rối loạn cương trong bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường ngoài việc phải điều trị kéo dài, thậm chí cả cuộc đời còn lại cũng như những biến chứng để lại hết sực nặng nề khiến bao người mắc phải “lao đao”, nó còn gây ra nỗi thất vọng cho quý ông khi nguy cơ bị “tước mất bản lĩnh đàn ông” rất cao, khả năng tình dục giảm dần cả về số lượng và chất lượng do chứng rối loạn cương.

Qua nhiều công trình nghiên cứu, người ta thấy rằng rối loạn cương chiếm một tỷ lệ khá cao, theo thống kê của Cố GS. Ngô Gia Hy (Nhà phẫu thuật Niệu hàng đầu tại Việt Nam) tỷ lệ vào khoảng 50%, tuy nhiên theo một số tác giả khác tỷ lệ có thể cao hơn, lên đến 75%.

Để hiểu cốt lõi của vấn đề, cần tìm hiểu những cơ chế tổn thương trên mạch máu và thần kinh trong bệnh tiểu đường.

Trên mạch máu nhỏ, sang thương thường tổn thương ở mạch máu có kích thước dưới 0,3mm, có tính chất lan toả và đặc hiệu, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan như bệnh lý võng mạc, bệnh lý cầu thận, bệnh lý thần kinh và cơ quan sinh dục.

Cơ chế bệnh sinh của sang thương mạch máu nhỏ hiện nay chưa rõ, nhưng người ta thấy rằng có sự rối loạn huyết động học, tăng hoạt tính của tiểu cầu, tăng tổng hợp thromboxan A2 là chất gây co mạch và kết dính tiểu cầu, tạo điều kiện cho thành lập huyết khối.

Ngoài ra, còn tăng tích tụ sorbitol và fructose ở các mô, sự giảm nồng độ myonositol cũng làm cho sang thương mạch máu thêm trầm trọng.

Nitric oxide và PGI 1 giữ vai trò quan trọng trong cơ chế cương, mà hai yếu tố trên do nội mạc sinh ra, do lượng nitric oxide thiếu nên áp lực máu trong cơ thể hang không tăng lên đủ mạnh để đóng các van tĩnh mạch dương vật làm cho máu thoát ra nhanh, khiến cho không duy trì sự cương cứng.

Với những yếu tố trên, có thể kết luận là nội mạc giữ vai trò quan trọng trong hệ rối loạn cương do đái tháo đường.

Trên thần kinh ngoại vi, tiểu đường ảnh hưởng lên mọi cấu trúc của thần kinh, trừ não bộ. Đây là biến chứng ít gây tử vong nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và điều trị, trong đó có sinh hoạt tình dục.

Trong quá trình phát triển của bênh, tiểu đường gây tổn thương thần kinh, trong đó có thần kinh hệ cơ quan sinh dục, làm cho mối liên hệ thần kinh với nhau không còn như trước nữa, vì vậy trong ý nghĩ cảm xúc có ham muốn tình dục thì thông tin đó cũng chậm dẫn truyền đến dương vật, do đó, dương vật không đáp ứng, “trên bảo dưới không nghe”

Bệnh lý thần kinh và mạch máu trong tiểu đường là do thành mạch của mạch máu nhỏ nuôi dưỡng thần kinh bị tổn thương, kể cả mạch máu cung cấp cho dương vật. Sự lưu thông máu hoạt động kém dẫn đến hậu quả là không cương cứng hay dự duy trì cương cứng không hoàn toàn.

Điều trị rối loại cương trong bệnh tiểu đường

Tiểu đường ngày nay đã trở nên phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là việc làm hết sức cần thiết, nhằm tránh được nhiều biến chứng do tiểu đường dây nên, trong đó rối loạn cương là mối quan tâm thật sự nhằm góp phần tạo niềm tin cho người bệnh, giữa vững được hạnh phúc gia đình.

Tập vận động

Vận động sẽ có tác dụng tốt để làm tăng tiêu thụ glucose ở ngoại vi, từ đó làm cho đường bớt tăng cao. Tiêu chuẩn vận động là phải đổ mồ hôi hay 30 phút vận động hàng ngày.

Theo nghiên cứu cho thấy người thiếu vận động cũng dẫn tới rối loạn cương dương, kết quả nghiên cứu 9 năm trên 600 nam giới đã phát hiện người có thói quen vận động hàng ngày > 30 phút, năng lượng tiêu hao tối thiểu 200 calo thì ít có cơ hội bị rối loạn cương dương hơn những người ít vận động. Không nên vận động khi đuờng máu >2,5g/l.

Điều trị và kiểm soát đường huyết

Khi một bệnh nhân tiểu đường được chẩn đoán có rối loạn cương dương, đầu tiên phải làm là kiểm soát tốt đường huyết, giảm uống rượu, bỏ hút thuốc lá và ngừng hẳn các loại thốc có thể gây ra rối loạn này.

Sử dụng thuốc trong điều trị rối loạn cương

Đối với bệnh nhân tiểu đường có rối loạn cương ở giai đoạn sớm, khi những tổn thương thần kinh và mạch máu chưa trầm trọng thì việc sử dụng thuốc còn đáp ứng tốt, tuy nhiên nếu những bệnh nặng, có nhiều biến chứng thì việc sử dụng thuốc cũng ít đưa lại hiệu quả. Vì thế, cần hỏi bác sĩ để được tư vấn loại thuốc thích hợp, liều lượng và cách dùng vì thuốc điều trị rối loạn cương có thể có tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, khó tiêu, đau lưng…

Rối loại cương trong bệnh tiểu đường là một vấn đề lớn, ảnh hưởng tâm lý, cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm để tránh được nhiều biến chứng, tuy nhiên đây là một công việc hết sức tế nhị, đòi hỏi người bệnh lẫn thầy thuốc phải kiên trì, cần phối hợp nhiều biện pháp không liên quan đến tình dục, tuy nhiên theo mức độ mà điều trị thích hợp.

Trong đó phương pháp tâm lý và tư vấn về tình dục là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó người bệnh cần được khuyến khích thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh như kiêng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, ăn uống điều độ theo chế độ tiểu đường, chơi thể thao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên