Sai lầm khi ngoáy tai để lại hậu quả khôn lường
Thứ Sáu, 00:06, 19/05/2017
VOV.VN - Nhiều người có thói quen ngoáy tai thường xuyên mà không biết việc làm này tiềm ẩn những nguy cơ và hậu quả khôn lường.
Nhiều người cho rằng, ráy tai là nguyên nhân gây ngứa tai nên thường xuyên ngoáy tai và tìm mọi cách để móc, lấy ráy ra. |
Làn da ở ống tai con người vô cùng mẫn cảm, hơn nữa lại gần kề xương sụn, tổ chức liên kết dưới da mỏng, máu lưu thông kém. Nên khi ngoáy tai không đúng cách sẽ gây tổn hại, viêm nhiễm, dẫn đến lở loét và viêm ống tai ngoài. |
Nhiều người ngoáy tai quá mạnh rất dễ làm tổn thương đến màng nhĩ hoặc xương nhỏ, làm thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính giác, dần dần gây viêm tai giữa, thậm chí nghiêm trọng hơn có thể bị điếc. |
Ngoáy tai cũng có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Đặc biệt, với những người thường xuyên dùng dụng cụ kim loại để lấy ráy tai thì còn có thể gây ra chứng chảy máu tai do rách da ống tai. |
Những dụng cụ không được sát trùng khiến việc lất ráy tai làm tăng nguy cơ nấm tai, lây bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra các vật sắc nhọn cũng khiến thành ống tai bị viêm nếu đâm vào. |
Việc lấy ráy tai quá nhiều sẽ để lại nhiều biến chứng như: ù tai, khả năng nghe kém, ngứa tai, chóng mặt, đau tai, viêm tai dẫn đến điếc hoặc bị các bệnh kéo theo như ho. |
Thậm chí, ngoáy tai quá thường xuyên cũng kích động đến da ở ống tai, làm xuất hiện u nhú ở ống tai ngoài. Măc dù chúng là u lành tính và có thể làm phẫu thuật cắt bỏ được, nhưng lại dễ tái phát và thậm chí khi tái phát còn có thể phát triển thành u ác tính. |
Trong một số trường hợp, một người có quá nhiều ráy tai sẽ ảnh hưởng đến thính giác và làm cho họ đau đớn. Điều này dễ dàng giải quyết bằng việc đến gặp một bác sĩ tai mũi họng - người giúp lấy ráy tai của bạn ra một cách nhanh chóng và không đau |