Cấy que ngừa thai có ngăn chặn được kinh nguyệt không?
VOV.VN - Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga khẳng định: Phương pháp cấy que ngừa thai rất hiệu quả nhưng còn khá mới ở Việt Nam.
Hiện nay, phụ nữ ở châu Âu thường có xu hướng cấy que ngừa thai để ngăn chặn không còn kinh nguyệt. Phương pháp này liệu có nguy hiểm và trái với tự nhiên hay không?. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết: Đây là phương pháp tránh thai dùng một hay các que nhỏ như que diêm chứa hoóc-môn progesterone cấy vào dưới da. Sau khi được đưa vào cùng da dưới cánh tay, các que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hormone vào cơ thể tạo ra tác dụng ngừa thai kéo dài có thể lên đến 5 năm. Hormone sử dụng trong que cấy tránh thai là progesterone: levonorgestrel hay etonogestrel. Số lượng que cấy có thể từ 1 đến 6 que tùy loại.
- Norplant: 6 que, tác dụng trong 5-7 năm
- Jadelle, Sinoplant: 2 que, tác dụng 5 năm
- Implanon: 1 que, tác dụng 3 năm
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga khẳng định: Phương pháp này rất hiệu quả nhưng còn khá mới ở nước ta. Implanon là loại que cấy hiện đang lưu hành tại Việt Nam
"Phương pháp trên có thể có lợi cho những chị em không thích hợp với việc dùng các loại thuốc tránh thai (có chứa oestrogene và progesteron), các bà mẹ đang cho con bú, phụ nữ trên 40 tuổi, người có u xơ tử cung, những người bị bệnh tim mạch, hút thuốc hoặc không muốn áp dụng phương pháp đặt vòng...",bác sĩ Nga nói.
Hiệu quả tránh thai
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng: Implanon: 99.95%, tức là có 9.995 người sử dụng Implanon trong 10.000 người sẽ không bị có thai ngoài ý muốn. Tỷ lệ này gần như tương đương với phương pháp triệt sản nữ, ngoại trừ rằng khả năng thụ thai của Implanon sẽ hồi phục hoàn toàn và nhanh chóng sau khi que cấy được lấy ra. Các phương pháp ngừa thai khác hay bị ảnh hưởng bởi sự tuân thủ của người sử dụng, tức là tỷ lệ thành công trên thực tế thấp hơn so với lý thuyết. Implanon hoàn toàn không bị tác động, chỉ 1 que cấy duy nhất và một lần cấy duy nhất, không cần phải làm gì thêm.
Tất nhiên nếu để que cấy quá thời gian được khuyến cáo, đối với Implanon là 3 năm, thì hiệu quả ngừa thai sẽ giảm đi.
Cơ chế tác dụng
Theo BS Nga, cũng như các biện pháp tránh thai có progesterone khác, que tránh thai hoạt động dựa trên 2 cơ chế chính:
Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng xâm nhập buồng tử cung và ngăn sự rụng trứng (ở hơn phân nửa các chu kỳ).
Khả năng có thai trở lại
BS Nga khuyên: Không như thuốc chích ngừa thai DMPA, sau khi rút que cấy, sự thụ thai hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn. Có thể lấy que cấy bất cứ khi nào bạn muốn. Nếu bạn muốn có thai trở lại, hãy đến cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ lấy que cấy ra cho bạn.
Tác dụng phụ
Cũng như các biện pháp tránh thai có chứa hormone, Implanon có thể tạo ra sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Trong vài tháng đầu triệu chứng có thể xảy ra là ra kinh ít hơn, ngắn hơn hay rong kinh >8 ngày, rong huyết, không có kinh. Sau 1 năm que tránh thai thường hay gây vô kinh.
Các triệu chứng khác ít gặp hơn như đau đầu, chóng mặt, căng ngực, buồn nôn … Các triệu chứng này thường thoáng qua hay giảm đi theo thời gian.
Bên cạnh mặt lợi, việc đặt que cấy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với chị em phụ nữ như: vô kinh, tăng cân vù vu, mụn nhọt lên đầy người, tính nết trở nên thất thường, người mệt mỏi, thường xuyên đối mặt với stress, ham muốn giảm. Đã có không ít trường hợp chị em chỉ vì muốn kế hoạch đi đặt que cấy sau đó do nhu cầu muốn có con nhưng lại không lấy được que vì đặt quá sâu. Nhiều trường hợp, do que cấy tác dụng lâu nên phải đợi hết thời hạn./.