Sàng lọc ung thư: Hiểu đúng để không mất tiền oan
VOV.VN - Kiểm tra sức khỏe định kỳ là việc mà bất cứ ai cũng nên thực hiện 6 tháng/ lần nhưng với tầm soát ung thư thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu đã khẳng định là cần cá thể hóa để tránh mất tiền oan.
Sợ hãi ung thư khiến nhiều người bỏ ra số tiền không hề nhỏ để sàng lọc, phát hiện sớm. Hiện các gói dịch vụ tầm soát ung thư có ở hầu như tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế tư nhân. Với những thông tin kiểu như là “chỉ 3ml máu -chính xác đến 99%” đã khiến người dân tin rằng sau khi tầm soát mình đã an toàn với ung thư.
Hiện các gói sàng lọc ung thư dựa trên xét nghiệm máu chỉ điểm khối u nhưng các chuyên gia khẳng định vẫn không thể an toàn với ung thư dù chỉ số xét nghiệm này trong ngưỡng bình thường. Hay ngược lại, kể cả khi chỉ số này cao cũng không có nghĩa là bạn đang mắc ung thư. Đây có lẽ là điều ít cơ sở y tế giải thích cho những người sử dụng dịch vụ tầm soát ung thư hiểu.
PGS Nguyễn Lân Hiếu, GĐ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo: các xét nghiệm dấu ấn ung thư không được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư. Ngoài 2 xét nghiệm kinh điển PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan), các marker khác không có giá trị chẩn đoán xác định ung thư do độ nhạy và đặc hiệu không đủ tin cậy. Có nghĩa là dù có chỉ số tăng cao cũng không chắc bị ung thư và ngược lại âm tính cũng không loại trừ được.
Ông Nguyễn Lân Hiếu phân tích, các xét nghiệm dấu ấn ung thư là dùng để theo dõi bệnh nhân đang điều trị hóa trị, xạ trị, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u. Chính vì vậy, việc lấy máu tại nhà và “tiếp thị” để người dân bỏ tiền ra thực hiện là cách làm mà bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khẳng định là “vô tội vạ”.
PGS.TS Nguyễn Khoa Hùng, Đại học Y Dược Huế, cũng cho rằng tầm soát ung thư ở nước ta đang bị hiểu sai, một số nơi làm không đúng và lạm dụng. Ông dẫn chứng như việc xét nghiệm định lượng máu PSA phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến cần được bác sĩ chỉ định: nên làm cho đối tượng nào, không được làm cho đối tượng nào, nếu lần đầu kết quả bình thường thì bao lâu mới được làm lại…
Phải chặt chẽ như vậy vì theo nhiều nghiên cứu nếu chỉ định xét nghiệm PSA không đúng sẽ dẫn đến chỉ định quá tay các xét nghiệm tiếp theo như chụp cộng hưởng từ, sinh thiết, điều trị quá mức, chi phí cao, biến chứng do phương pháp điều trị, dẫn đến tổn hại sức khoẻ tinh thần, thể chất cho bệnh nhân.
bác sĩ Lê Chí Hiếu, Phó trưởng Khoa Ung bướu - Bệnh viện Hữu Nghị, cũng khẳng định để sàng lọc ung thư thì việc thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu là không cần thiết, gây tốn kém cho người bệnh. bác sĩ đơn cử: có người chụp cắt lớp nhiều bộ phận và cứ nghĩ như vậy là để kiểm tra được toàn bộ cơ thể, nhưng dù không bị ung thư thì việc cơ thể phải chịu tác động quá nhiều tia X cũng không hề tốt.
Thường những kỹ thuật, xét nghiệm chuyên sâu này thường được chỉ định để làm chẩn đoán chứ không phải để sàng lọc, và đây là điều mà bác sĩ Lê Chí Hiếu muốn mọi người hiểu để tránh lãng phí tiền bạc vào những gói dịch vụ sàng lọc ung thư mà nhiều người tưởng là càng chuyên sâu càng tốt.
“Người ta chỉ tiến hành sàng lọc ung thư với những loại có thể phát hiện sớm và phổ biến, còn có những loại không nên sàng lọc vì tính đặc hiệu không cao và cách sàng lọc cũng rất nặng nề. Ung thư vú, phổi, đại trực tràng, tiền liệt tuyến, gan… là có thể sàng lọc được”, bác sĩ Lê Chí Hiếu thông tin.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là việc mà bất cứ ai cũng nên thực hiện 6 tháng/lần nhưng với tầm soát ung thư thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu đã khẳng định là cần cá thể hóa, tức là ai, khi nào và cần làm xét nghiệm gì đều có tư vấn chỉ định của bác sĩ.