Sử dụng bình oxy cho F0 điều trị tại nhà cần lưu ý gì?
Bình oxy y tế là một trong những thiết bị được sử dụng khi bệnh nhân có vấn đề về hô hấp nhất là F0 điều trị tại nhà. Vậy khi nào cần dùng và để an toàn cần những lưu ý gì? Dưới đây là nguyên tắc khi sử dụng bình cung cấp oxy cho bệnh nhân COVID-19 (F0) điều trị tại nhà.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng bình oxy cần tuân thủ theo Hướng dẫn sử dụng bình oxy điều trị F0 tại nhà và lưu ý an toàn khi sử dụng bình oxy (nguy cơ cháy, nổ) như bình gas.
1. Khi nào cần sử dụng bình oxy cho F0?
Theo các chuyên gia, thông thường với người có phổi khỏe mạnh, không khí thở có chứa khoảng 21% oxy là đủ. Nhưng ở một số người, có chức năng phổi suy giảm như: Người mắc COVID-19, người viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim mạch… khi mắc bệnh, lượng oxy đạt được thông qua hô hấp bình thường là không đủ, do đó cần bổ sung lượng oxy để duy trì chức năng bình thường của cơ thể.
Chia sẻ về vấn đề F0 khi nào cần phải sử dụng bình oxy tại nhà, BS Dương Chí Lực- Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, từng công tác tại TTHS COVID -19 quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo phác đồ của Bộ Y tế, F0 có các dấu hiệu thiếu oxy như: Khó thở, SPO2 <93%, quan sát thấy F0 có màu sắc môi, ngón tay xanh tím, thở co rút xương sườn, cổ,…cần sử dụng bình oxy.
Nếu không có máy SpO2 thì có thể đếm nhịp thở của F0 bằng cách: đặt tay lên thành bụng đếm sự di động thành bụng khi thở trong 1 phút. Hoặc cũng có thể đếm mạch bằng cách đếm liên tục trong 1 phút bằng ngón 2 và 3. Nếu thở nhanh >24 lần/ phút, hoặc nếu mạch trên 100 lần/phút…. nghĩa là F0 có dấu hiệu thiếu oxy.
2. Sử dụng bao nhiêu oxy là đủ?
Theo khuyến cáo, oxy là một liệu pháp điều trị y tế sẽ được bác sĩ chỉ định. Theo BS Lực, F0 điều trị tại nhà cần tuân thủ liều lượng oxy theo khuyến cáo của cán bộ y tế, vì nếu tự ý điều chỉnh lượng oxy quá nhiều hoặc quá ít có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, thấy F0 khó thở nên nhiều người nhà sẽ điều chỉnh lượng oxy tăng quá mức chỉ định, điều này có thể dẫn đến mất cơ chế kích thích hô hấp của người bệnh.
Đối với người bệnh có vấn đề về hô hấp sẽ được sử dụng 3 lít -5 lít /phút nếu sử dụng nhiều sẽ dẫn đến xơ phổi.
Theo BS Lực, tùy thuộc vào chỉ số SPO2 của người bệnh để sử dụng oxy hợp lý. Thông thường đối với F0 có SPO2 <90% thì thở oxy mức 6-10 lít trong 15 phút. Còn nếu khó thở tăng lên, SPO2 giảm thì cần có cán bộ y tế chỉ định- BS Lực khuyến cáo.
Nhiều người thắc mắc, F0 có thể sử dụng oxy trong bao lâu? Trả lời câu hỏi này theo chuyên gia việc sử dụng oxy bao lâu tuỳ thuộc vào tình trạng khó thở của F0, có thể dùng trong khoảng 15-30 phút hoặc có thể dùng 24 giờ trong ngày. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý khi thở oxy lâu phải duy trì ở liều thấp nhất mà bệnh nhân không khó thở. Không thở ở liều quá cao hoặc tăng liều quá nhanh. Không được vừa thở oxy vừa đi vệ sinh hoặc đi làm chuyện gì khác, F0 chỉ nằm tĩnh dưỡng ở giường, hoặc ngồi nếu có thể.
3. Có thể giảm lượng oxy không và khi nào cần đưa F0 nhập viện?
Chia sẻ về vấn đề này GS. TS Nguyễn Gia Bình cho biết, có thể điều chỉnh liều oxy và điều này cần dựa vào các yếu tố như: Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, không còn khó thở, lượng SpO2 tăng lên 95% với lưu lượng oxy 1-3 lít/ phút, nếu nhu cầu giảm thì giảm oxy xuống.
"Còn nếu khó thở nhiều hơn, nhu cầu oxy tăng lên thì nên cho F0 nhập viện, vì bệnh nặng lên cần phải làm nhiều xét nghiệm, chụp phim phổi… và nhiều thứ khác mà không thể làm ở nhà được" -TS. Bình khuyến cáo.
Còn theo BS. Dương Chí Lực, thở oxy là một biện pháp nhằm hỗ trợ hô hấp cho những người bệnh khó thở, có nồng độ oxy thấp và nó chỉ là điều trị triệu chứng, chứ không phải là phương pháp điều trị thực sự ở bệnh nhân mắc COVID-19. "Việc điều trị thực sự phải có chỉ định của bác sĩ"- BS Lực nhấn mạnh.
4. Những nguyên tắc sử dụng oxy an toàn tại nhà
Điều rất quan trọng, theo khuyến cáo, khi sử dụng bình oxy cần tuyệt đối tuân theo các hướng dẫn về an toàn oxy nói chung.
Cụ thể là giữ bình ô xy cách xa ngọn lửa. Tránh để gần vật dụng có thể phóng tia lửa điện gây cháy nổ, không lưu trữ bình khí oxy gần bất kỳ loại nguồn nhiệt nào, gần bếp gas, hoặc gần nến thắp sáng.
Giữ bình oxy đứng trong thùng, hoặc giá. Đảm bảo thiết bị đựng oxy an toàn và sẽ không rơi đổ. Tắt oxy khi không sử dụng giảm nguy cơ bị cháy nổ.
Trước khi bắt đầu điều trị oxy tại nhà cần liên lạc với cán bộ y tế gần nhất để được giải đáp những thắc mắc, luôn để số điện thoại liên lạc ở vị trí dễ thấy. Ngoài ra cần ghi chép lại thời gian, liều lượng oxy sử dụng, tuân thủ chỉ định của bác sĩ./.