Tác hại khi sử dụng cốc dùng 1 lần
VOV.VN - Cốc nhựa dùng một lần không còn quá xa lạ với người tiêu dùng, nó được sử dụng phổ biến vì nhẹ, bền, dễ sử dụng nhưng nó cũng mang lại những tác hại khôn lường.
Do mức giá rẻ lại tiện lợi sử dụng, đa phần các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng đồ uống, siêu thị tiện ích nhỏ lẻ đều sử dụng cốc nhựa dùng một lần.
Để hạn chế tình trạng sử dụng cốc nhựa dùng một lần, một số nhà hàng chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như hộp cơm, túi nilon tự phân hủy, đồ đựng làm bằng giấy bìa, muỗng từ tre...
Chính phủ cũng phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; nhiều sáng kiến được đưa ra để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhựa sinh học, sản phẩm giấy, khuyến khích người dân mang dụng cụ đựng khi mua thực phẩm... Tuy nhiên, trên thực tế, giá thành các loại vật liệu thân thiện môi trường khá cao, trong khi đó đồ nhựa dùng một lần lại có giá “siêu rẻ”. Nếu mua với số lượng lớn, các loại đồ này chỉ có giá từ 300 - 500 đồng/chiếc.
Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene có màu trắng, nhẹ, tính dẻo. Nhờ những đặc tính trên mà Polystyrene rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Nhưng các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng chất Polystyrene là một loại chất độc, nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là có liên quan đến bệnh ung thư.
Cùng bàn về vấn đề trên, báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cũng cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người (sản sinh những nhiễm sắc thể bất thường gây dị tật thai nhi), gây rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ),….
Chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hiện lệnh cấm sản xuất cốc nhựa và sử dụng cốc nhựa làm từ chất Polystyrene được đưa ra tại Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới.
Theo các chuyên gia trong nước, mặc dù phần đông người dân nhận thấy tình trạng ô nhiễm chất thải rắn trong môi trường sống xung quanh, nhưng rất nhiều người chưa sẵn sàng sử dụng vật liệu thay thế cho cốc và đồ nhựa dùng một lần.
Việc gia tăng tình trạng sử dụng cốc và những đồ nhựa dùng một lần trong những năm qua khiến lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời, nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nilon còn rất phổ biến. Những vật liệu này được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa, và đặc biệt là có nguy cơ gây ung thư.
Chưa kể cốc và các đồ nhựa dùng một lần chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi... có thể thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sảy thai, gây dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe con người.