Tài xế cần làm gì để không gặp những bệnh lý tim mạch khiến ngưng thở khi ngủ?
VOV.VN - Một quả tim khỏe sẽ cho ta một sức khỏe tinh thần tốt, ngược lại chỉ cần đập nhanh, lạc nhịp là khiến ta mất ăn, mất ngủ.
PV VOV Giao thông sẽ có cuộc trò chuyện với một chuyên gia đầu ngành về tim mạch, PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến - Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược Huế. Vị bác sĩ đã dùng ống nghe theo dõi, ghi âm nhịp tim song cũng ghi âm luôn nhịp thở các bệnh nhân. Từ đây, bác sĩ bắt đầu nghiên cứu sâu thêm về chứng ngưng thở khi ngủ, sự liên quan giữa các bệnh lý nền tim mạch ảnh hưởng đến chứng ngưng thở khi ngủ. Một chứng bệnh đang phổ biến dần ở Việt Nam với nghiên cứu sơ bộ 37% ở nam, và 17% ở nữ.
PV: Hiện tại trong quá trình thăm khám các bệnh nhân thì có trường hợp nào rất điển hình về căn bệnh ngưng thở khi ngủ mà bác sĩ đang nghiên cứu không?
PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến: Có một trường hợp bệnh nhân dù rất trẻ chỉ 21 tuổi, bệnh nhân nam và đặc điểm là béo phì, huyết áp cao đo 140 /90. Bệnh nhân than phiền không thể tập trung được, không thể làm những công việc thường ngày, cứ làm việc là buồn ngủ, rất dễ ngủ, chỉ cần ngồi yên hoặc ngồi đọc sách, xem ti vi cũng cảm giác buồn ngủ.
Bệnh nhân thấy khó chịu vì chất lượng cuộc sống rất giảm. Trường hợp đó, bệnh nhân vào viện tại phòng thăm dò chức năng, thăm dò giấc ngủ của BV Đại học Y dược Huế, thăm khám phát hiện ra có triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
Bệnh nhân ngáy to và người nhà phát hiện có những khoảng ngưng thở tầm 10 giây, trong đêm rất nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy, và thường thức dậy giữa đêm, ngủ lại rồi thức dậy, giấc ngủ không yên. Việc này dẫn đến ban ngày buồn ngủ rất nhiều ảnh hưởng đến công việc, cuối cùng bệnh nhân không chịu được, chất lượng cuộc sống giảm, không làm được gì hết.
Và sau khi phát hiện và điều trị bằng thở máy CPAP – máy thở áp lực dương, đồng thời điều trị luôn các bệnh béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu thì bệnh nhân sau đó được cải thiện.
PV: Bệnh lý như vậy nếu ở mức độ nhẹ thì mình xử lý như thế nào và mức độ nặng thì có phẫu thuật can thiệp gì thêm các kỹ thuật chuyên sâu không?
PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến: Như vậy trường hợp ngưng thở khi ngủ được chia ra làm 2 dạng, một là ngưng thở khi ngủ dạng tắc nghẽn và dạng ngưng thở khi ngủ dạng trung ương. Đối với dạng tắc nghẽn thường có những bất thường ở vòng hầu họng, trong đường thở.
Ví dụ, cái cơ khẩu hầu bị hẹp, rồi amidan có phát, hoặc bất thường dị dạng vùng hầu họng, lưỡi dài thì những trường hợp đó sẽ can thiệp phẫu thuật. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân có cấu trúc xương mặt thay đổi như là xương cằm ngắn lại, hoặc mỡ tập trung nhiều ở vùng mặt và dưới cằm dẫn tới hẹp cơ họng hầu dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ dạng tắc nghẽn.
Còn những trường hợp khác dạng ngưng thở vùng trung tâm thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim thì sẽ điều trị bệnh lý nền thì phức tạp.
Bệnh nhân có kèm bệnh lý tim mạch tỉ lệ ngưng thở khi ngủ tăng lên rất nhiều, tăng từ 40-80%, đây là một dấu hiệu đáng báo động. Nếu bệnh nhân có kèm các bệnh lý tim mạch bị ngưng thở khi ngủ có 80-90% không phát hiện được và phải cần qua khám sàng lọc.
PV: Kênh VOV Giao thông muốn gửi đến các thông tin bổ ích cho các bác tài. Vậy trong số bệnh nhân của bác sĩ có ai là tài xế không? Và có đặc điểm chung gì ở họ?
PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến: Có bệnh nhân là tài xế và đối tượng các bác tài được quan tâm đặc biệt, vì họ phải vận hành máy móc, chuyên chở người thì việc ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến máy móc, lái xe rất nhiều. Đa phần những trường hợp rơi vào tình trạng nguy cơ nặng thì bệnh nhân được khuyến cáo không nên vận hành máy móc.
Vì không tỉnh táo, buồn ngủ nhiều khi lái xe ngủ gật sẽ rất nguy hiểm. Những trường hợp đó bản thân mình điều trị bằng cách cho bệnh nhân thở máy thở CPAP- áp lực dương liên tục, đồng thời điều trị các bệnh lý nền. Như vậy, khi thở liên tục tức mục đích máy thở làm cho vùng cơ hầu họng ban đêm giãn nỡ ra bệnh nhân sẽ ngủ ngon đủ giấc ban đêm và ban ngày có thể vận hành máy móc.
PV: Những đối tượng này mình có những lời khuyên nào để điều chỉnh lối sống và tuân thủ các biện pháp điều trị để đảm bảo sức khỏe tốt, chịu đựng được áp lực cũng như việc lái xe đường dài?
PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến: Mình phải loại trừ tất cả các yếu tố nguy cơ, ví dụ mình hạn chế vận động một ngày dưới 30 phút sẽ không tốt, cần tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn các chất hữu cơ, đảm bảo đúng giờ và các tỉ lệ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
Buổi đêm cần phải vệ sinh giấc ngủ, ngủ đủ giấc và phải tuân theo sự hướng dẫn điều trị nếu bị ngưng thở khi ngủ và phải luôn luôn là đảm bảo cho mình tỉnh táo khi vận hành máy móc. Những trường hợp này yêu cầu bệnh tuân thủ điều trị nghiêm để có kết quả tốt nhất và kịp thời.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều về cuộc trò chuyện!