Tâm thần phân liệt là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế
VOV.VN - So với người bình thường, người mắc bệnh tâm thần phân liệt tử vong sớm hơn 15-20 năm.
"Tâm thần phân liệt là một trong những nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới. Ước tính toàn cầu có ít nhất 26 triệu người đang chung với bệnh tâm thần phân liệt. So với người bình thường, người mắc bệnh tâm thần phân liệt tử vong sớm hơn 15-20 năm (chủ yếu do đồng thời mắc một bệnh thực thể nào đó và do hút thuốc), thất nghiệp nhiều hơn 6-7 lần. Họ thường xuyên đối mặt với cảnh vô gia cư và các tổ chức tội phạm".
Đó là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10) do Hội sức khỏe Tâm thần Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và các đối tác khác tổ chức vào chiều 3/10, tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, ước tính có hơn 250.000 người mắc bệnh tâm thần phân liệt, những người này chủ yếu sống tại gia đình và không có việc làm. Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia đã quản lý và theo dõi tại cộng đồng 192.545 bệnh nhân tâm thần phân liệt, tính tới cuối năm 2013.
Hiện nay, điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt đang đi theo hướng ngày càng lấy bệnh nhân làm trung tâm, phối hợp hiệu quả với các chuyên ngành khác nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị.
Theo bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần. Những triệu chứng này làm tổn hại não bộ, tổn hại thần kinh, nó chỉ đạo con người. Nếu bộ não chỉ đạo sai, hành vi sai dẫn đến phạm tội thậm chí cướp của giết người. Chính vì vậy, người dân cần sớm nhận biết triệu chứng về sức khỏe tâm thần để đưa người bệnh đến cơ sở tâm thần điều trị.
Cũng theo bác sĩ Cương, trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay gặp phải một số khó khăn. Cụ thể là khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực (hiện nay thiếu 300 bác sĩ tâm thần); thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú, đặc biệt là tuyên truyền phổ biến kiến thức về sức khỏe tâm thần; hầu hết mọi người chưa thấu hiểu hết sức khỏe tâm thần, khó khăn xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh cũng như trở ngại trong việc hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải có đủ nguồn nhân lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tâm thần và nâng chất lượng sức khỏe tâm thần cho nhân dân từ việc lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường tới củng cố mạng lưới cán bộ chuyên khoa tâm thần trung tâm y tế quận, huyện.
Là người gắn bó với Việt Nam 20 năm qua, Giáo sư Harry Minas (ĐH Melbourne, Australia), chuyên gia sức khỏe tâm thần quốc tế, chia sẻ: “Việt Nam đang quan tâm hơn tới sức khỏe tâm thần, tuy nhiên cần tăng thêm những cam kết đầu tư để cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt cải thiện hệ thống thông tin về sức khỏe tâm thần nhằm đảm bảo chất lượng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Điều đó bao gồm sự cần thiết phải xây dựng bộ luật về sức khỏe tâm thần, một chính sách quốc gia về sức khỏe tâm thần, cũng như việc thiết lập một đơn vị sức khỏe tâm thần đủ mạnh trong Bộ Y tế”./.