Thực phẩm có thể làm tăng hay giảm nguy cơ mắc COVID-19 không?
VOV.VN - Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng các loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ liên quan đến COVID-19.
Ngoài vaccine, phương pháp điều trị và việc tuân theo biện pháp phòng ngừa COVID-19, chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ăn những thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh không chỉ giúp giảm bớt các triệu chứng COVID-19 mà còn giúp hồi sinh năng lượng và chăm sóc chứng mệt mỏi sau hồi phục.
Thêm vào đó, giữ cơ thể đủ nước và ngủ đủ giấc là một số lựa chọn lối sống khác mà bạn có thể thực hiện để đối phó với COVID-19. Lối sống không lành mạnh tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn. Ăn thực phẩm không lành mạnh, uống ít nước, dẫn đến một cuộc sống căng thẳng. Nó có thể làm tăng nguy cơ thừa cân và bị béo phì. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.
Một số loại thực phẩm có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc COVID-19
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Northwestern ở Chicago, cà phê, sữa mẹ và cải xoăn có khả năng làm giảm các yếu tố nguy cơ COVID-19. Nhóm chuyên gia đã sử dụng dữ liệu Biobank của Vương quốc Anh để nghiên cứu mối liên hệ giữa các hành vi ăn uống từ năm 2006 đến năm 2010 và các trường hợp COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 11/2020 ở cùng một người.
Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu liên quan đến 38.000 người đã xét nghiệm COVID-19, trong đó 17% có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy một số loại thực phẩm có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của những người tham gia nghiên cứu.
Trong số nhiều loại thực phẩm được đưa vào nghiên cứu, cà phê, rau và sữa mẹ làm giảm 10% nguy cơ COVID-19, trong khi các loại thực phẩm như trà, trái cây và thịt đỏ không có sự khác biệt đáng kể. Được biết, điều đó là bởi vì cả cà phê và rau đều có liên quan đến việc giảm viêm và do đó cung cấp chức năng miễn dịch tốt hơn, còn sữa mẹ cung cấp các kháng thể có thể giúp trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ bị các bệnh như nhiễm trùng tai, cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng đường ruột, đồng thời bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.
Thực phẩm có liên quan đến nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn
Trong nghiên cứu, người ta thấy rằng các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích và thịt nguội có liên quan đến nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả một nửa khẩu phần thịt chế biến hàng ngày cũng có thể làm tăng 10% nguy cơ mắc COVID-19.
Thực phẩm đã qua chế biến được liệt kê vào danh sách một số loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh việc dẫn đến tăng cân, nó còn có thể khiến người bệnh dễ mắc các bệnh mãn tính. Thực phẩm không lành mạnh, chiên rán, nhiều dầu mỡ thường có liên quan đến các biến chứng tim mạch.
Kết luận
Như chúng ta đã biết, COVID-19 là một bệnh đường hô hấp gây viêm ở mọi bộ phận của cơ thể theo thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù chưa có tiết lộ nào về cách một số loại thực phẩm tác động đến nguy cơ mắc COVID-19, nhưng những người được nuôi bằng sữa mẹ khi còn nhỏ, người có chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn cũng như ăn ít thịt chế biến sẵn và đồ ăn vặt có cơ hội tốt hơn để chống lại các bệnh cấp tính và mãn tính. Ngoài ra, lối sống lành mạnh có liên quan đến kết quả COVID-19 tốt hơn, vì những người béo phì, mắc bệnh tim hoặc tiểu đường sẽ có nhiều khả năng trở nặng khi mắc COVID-19 hơn so với những người không mắc các tình trạng đó.
Tiến sĩ Purvi Parikh, nhà dị ứng học và miễn dịch học ở người lớn và trẻ em tại Thành phố New York cho biết: “Không thể phủ nhận việc ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa các yếu tố góp phần gây ra các bệnh như béo phì, tiểu đường và bệnh tim, nhưng chế độ ăn uống tốt thôi là chưa đủ và vaccine là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa COVID-19”./.