Thuốc dành cho người cao tuổi trong ngày Tết
Hai loại thuốc cơ bản không thể thiếu, đó là thuốc cho bệnh mạn tính mà thường ngày đang sử dụng và các loại thuốc thông thường.
Cứ mỗi lần Tết đến xuân về, mọi người đều nô nức mua sắm đủ mọi thứ, đặc biệt là bánh chưng, rượu và hoa. Nhưng cũng không ít gia đình quên mua một số thuốc để sử dụng trong mấy ngày Tết mỗi khi trái gió, trở trời, đặc biệt là trong gia đình có người cao tuổi (NCT).
NCT nên mua thuốc gì trong dịp Tết?
Trong những ngày vui xuân đón Tết, không ai muốn làm phiền hàng xóm, càng không muốn gõ cửa phòng khám và cửa hàng bán dược phẩm. Vì vậy, để ăn Tết vui vẻ, yên tâm thì trong mỗi gia đình, đặc biệt gia đình có NCT nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc. Với NCT nên có 2 loại thuốc cơ bản, đó là thuốc cho bệnh mạn tính mà thường ngày đang sử dụng và các loại thuốc thông thường.
NCT thường mắc các bệnh về tim mạch (tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành), bệnh tăng mỡ máu (cholesterol, triglycerit), bệnh đái tháo đường, bệnh về tiêu hóa (đầy hơi trướng bụng), bệnh trĩ, bệnh hen suyễn, bệnh xương khớp.
Để yên tâm, cần mua đủ lượng thuốc dùng trong các ngày Tết để đề phòng bệnh trở chứng mà trong tay đã hết thuốc hoặc gần nhà không có quầy bán thuốc hay có nhưng không bán trong các ngày nghỉ Tết. Các loại thuốc dùng cho từng bệnh cần tuân thủ thực hiện theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình, vì vậy, nên mua tăng số lượng để đề phòng thiếu thuốc.
Ví dụ, mắc bệnh hen suyễn mà khi lên cơn hen không có thuốc làm giãn phế quản (ventolin hoặc seretid hoặc symbicort) ngay tức khắc thì rất bất lợi, đôi khi là nguy hiểm hoặc đang điều trị bệnh đái tháo đường mà hết thuốc uống (hoặc tiêm) hàng ngày thì đường huyết sẽ tăng vọt lên, đe dọa tính mạng người bệnh.
Người nhà hoặc NCT không nên thay đổi thuốc và cũng không nên mua với số lượng nhiều quá. Ví dụ, thuốc làm giảm huyết áp gần như loại nào cũng có tác dụng phụ, vì vậy, khi đang dùng một loại nào đó không có tác dụng phụ và duy trì được huyết áp ổn định thì không nên mua dự phòng thêm một loại thuốc hạ huyết áp khác. Ngoài các loại thuốc dùng cho bệnh mạn tính thì cũng nên chuẩn bị một số loại thuốc thông thường khác để phòng ngừa bệnh xảy ra trong các ngày Tết, đó là thuốc cảm (nhức đầu, sổ mũi, ho) như paracetamol, dầu gió, dầu khuynh diệp, thuốc ho long đờm (bổ phế)... trong đó cần lưu ý, nếu bị bệnh tăng huyết áp thì không dùng loại paracetamol dạng viên sủi bọt vì trong đó có chứa natri clorid (muối) sẽ làm tăng huyết áp.
Không mua loại rhumenol flu D500, NF500 đối với NCT có bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh đau thắt ngực, bệnh cường giáp trạng, bệnh mạch vành, huyết khối vì nếu dùng các loại thuốc này sẽ rất bất lợi cho sức khỏe. Hoặc bị bệnh về dạ dày thì không mua loại giảm sốt, giảm đau aspirin vì loại thuốc này rất có hại cho dạ dày, có thể làm xuất huyết. Trong gia đình cũng nên có các loại thuốc chống mất nước, chất điện giải do bị nôn (say rượu, ngộ độc thực phẩm) như oresol (ORS), smecta.
ORS có loại cho người lớn và loại cho trẻ em, với người lớn có thể dùng loại nào cũng được, miễn là pha thuốc đúng quy định. Những người hay bị say tàu, xe cũng cần có một số thuốc như cao dán, stugeron (uống trước 30 phút khi lên xe, tàu). Nên chuẩn bị một số loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi (cloramphenicol 0,4%, sunfarin, nước muối sinh lý) để dùng khi bị đau mắt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi (nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, mắt sau khi đi ra đường trở về).
Trong những ngày Tết, cũng nên chuẩn bị một lọ betadin, một ít bông thấm nước và một số băng dính urgo để khi bị xây xước da có thể dùng nó sát trùng, băng vết thương. Nếu mắc bệnh táo bón thì cũng cần mua sẵn một số thuốc thông dụng nhằm giải quyết táo bón như dạng thuốc bơm vào hậu môn loại glycerin hoặc thuốc uống như duphalac.
Cần lưu ý là không tự ý mua thuốc kháng sinh để dự phòng, bởi vì kháng sinh được ví như con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng thì rất hiệu quả nhưng khi sử dụng sai thì hậu quả xấu khôn lường. Việc dùng kháng sinh bừa bãi không những không khỏi bệnh mà nhiều trường hợp bệnh nặng thêm, đôi khi gây nguy hiểm, đó là chưa kể đến dị ứng thuốc kháng sinh hoặc làm gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn, gây khó khăn cho việc điều trị sau này, nếu mắc bệnh nhiễm khuẩn.
Một số lời khuyên của thầy thuốc:
Để ngày Tết vui, khỏe, những người bệnh đang dùng thuốc, nhất là bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh đái tháo đường, hen suyễn, bệnh gút... ngoài việc có thuốc dùng đủ nên tự nhắc nhở mình là đang mang bệnh cho nên cần ăn, uống kiêng khem đúng mực (không quá lạm dụng và cũng không nên kiêng khem quá mức).
Cần chủ động thực hiện ăn điều độ, đúng bữa, không nên uống quá nhiều rượu, bia, cà phê hoặc không hút nhiều thuốc lá, bởi vì ngày Tết, người thân trong gia đình hoặc bạn bè, do tế nhị nên không muốn nhắc nhở. Các loại thuốc dự phòng khác không phải cho bệnh mạn tính cũng chỉ chuẩn bị vừa đủ trong các ngày Tết, không nên mua với số lượng nhiều, bởi vì khi thuốc đã quá hạn sử dụng thì phải bỏ đi, nếu tiếp tục dùng sẽ lợi bất cập hại.
Những người bị bệnh về gan thì tuyệt đối không uống rượu, bia và khi bị cảm không nên dùng paracetamol, đặc biệt không dùng paracetamol khi nhức đầu do uống rượu bởi vì rượu và paracetamol đều có hại cho gan. Việc mua thuốc dự phòng trong ngày Tết, tốt nhất là để người nhà mua giúp, NCT không nên tự mua, đặc biệt là NCT sức đã yếu, trí nhớ đã giảm./.