Tổn thương phổi có kéo dài vĩnh viễn sau hồi phục COVID-19 không?
VOV.VN - Một nghiên cứu gần đây cho biết bạn có thể sẽ không bị tổn thương phổi kéo dài sau khi hồi phục COVID-19.
Các nhà khoa học đã xem xét những bệnh nhân sau hồi phục COVID-19. Họ là những người đã từng nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng, tình trạng bệnh trung bình hoặc nặng và cũng đã trải qua các cuộc phẫu thuật phổi không liên quan đến COVID-19 (chẳng hạn, để điều trị các nốt mờ phổi hoặc ung thư phổi) tại một thời điểm nào đó sau khi hồi phục COVID-19.
Ở tất cả các bệnh nhân, mô phổi lành tính xung quanh các nốt mờ hoặc khối u cho thấy không phát hiện được tổn thương phổi kéo dài có liên quan trực tiếp đến COVID-19.
Dẫn lời Tác giả nghiên cứu cao cấp, Tiến sĩ Zaid Abdelsattar, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực và tim mạch tại Loyola Medicine, Maywood, Ill: “Kể từ khi bắt đầu đại dịch, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu COVID-19 sẽ gây tổn thương lâu dài hay vĩnh viễn cho phổi của chúng ta không. Nghiên cứu này đã mang lại cho chúng tôi cơ hội hiếm có để nghiên cứu những người mắc COVID-19 không có triệu chứng đã hồi phục và thực hiện các quan sát để giúp chúng tôi trả lời câu hỏi này”.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý khám nghiệm tử thi của bệnh nhân COVID-19 đã qua đời và các nghiên cứu về bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn cuối do COVID-19 đã phát hiện ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng về phổi.
Theo Tiến sĩ Abdelsattar, vẫn cần nghiên cứu thêm về lý do tại sao một số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, còn những bệnh nhân khác thì không. Nghiên cứu cho thấy nếu bạn nhiễm COVID-19 và sau đó hồi phục hoàn toàn về mặt lâm sàng và hình ảnh, các mô phổi của bạn cũng có khả năng đã hoàn toàn lành lặn, mà không có tổn thương vĩnh viễn.
Nghiên cứu đã được công bố trực tuyến gần đây trên Tạp chí The Annals of Thoracic Surgery (Biên niên sử về Phẫu thuật Lồng ngực). Những phát hiện này đã lấp đầy một lỗ hổng quan trọng trong sự hiểu biết về đại dịch COVID-19./.