Tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới
VOV.VN - Vì vậy, các bác sĩ ở Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tìm ra các phương pháp tối ưu nhất để phòng và chữa trị căn bệnh ung thư.
Ngày 23/10, tại Hà Nội, Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai năm 2014, mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 ca mắc ung thư mới và tỉ lệ tử vong chiếm gần 73% so với tỉ lệ tử vong trung bình của thế giới chỉ là 60%. Là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong do ung thư cao, các nhà khoa học, các y bác sĩ Việt Nam nói chung và Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu nói riêng không ngừng nỗ lực để tìm ra các phương pháp tối ưu nhất để phòng và chữa trị căn bệnh ung thư này.
Các loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam là ung thư phổi, vú, đại tràng, dạ dày, gan, tử cung, cổ tử cung, thực quản, ung thư máu, buồng trứng, thận…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên trao bằng khen cho GS TS Mai Trọng Khoa và các cá nhân xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 45 năm. (ảnh: Thế Anh/BV Bạch Mai) |
Năm 1970, từ một Tổ nghiên cứu chuyên đề phóng xạ y học bé nhỏ, đến nay Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai) không ngừng đổi mới và phát triển, trở thành trung tâm hiện đại, kỹ thuật cao, có nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến trên thế giới, đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao, chuyên môn giỏi. Đặc biệt, Trung tâm đã ứng dụng thành công kỹ thuật hiện đại trong việc chẩn đoán và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân bị ung thư. Gần đây nhất, trung tâm đã nghiên cứu thành công phương pháp mới nút mạch bằng hạt vi cầu phóng xạ mang lại hiệu quả cho tất cả các giai đoạn ung thư gan; Kỹ thuật cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyền tiền liệt…
Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đã thực hiện các kỹ thuật y học hạt nhân (YHHN) hiện đại trong chẩn đoán và điều trị: ghi hình phóng xạ bằng kỹ thuật PET/CT (máy xạ hình cắt lớp bằng bức xạ positron. Đây là một trong những thiết bị ghi hình chẩn đoán hiện đại nhất trên thế giới, lần đầu tiên có ở bệnh viện Bạch Mai), SPECT, xạ trị áp sát bằng tấm áp, cấy hạt phóng xạ... Đơn vị Gen trị liệu đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, thực hiện được hầu hết kỹ thuật xác định các đột biến gen gây ung thư, từ đó giúp cho việc điều trị nhiều loại ung thu được hiệu quả, an toàn, chính xác hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm (ảnh: Thế Anh/BV Bạch Mai) |
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) là 1 trong 4 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước. Lịch sử phát triển và những thành tựu của BVBM trong hơn 100 năm qua đã đóng góp rất lớn cho những thành công của ngành Y tế và cho sự phát triển của nền y học nước nhà. Trong những thành tựu ấy phải kể đến sự phát triển vượt bậc của các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị chuyên ngành ung bướu do Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu BV Bạch Mai thực hiện”.
Bà Nguyễn Thị Xuyên mong muốn lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đoàn kết, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chú ý quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, áp dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong điều trị ung bướu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến; quan tâm tới giáo dục y đức, giao tiếp ứng xử, tạo sự hài lòng cho người bệnh; chú ý quản lý chặt chẽ, quan tâm tới đời sống cán bộ viên chức trong Trung tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ nhân viên, tranh thủ mọi nguồn lực từng bước hiện đại hóa và nâng tầm vị thế của Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) ngày càng phát triển./.