Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh
VOV.VN - Hôm nay (21/9), tại hội nghị “Tiếp cận Công nghệ cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị” của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhiều báo cáo khoa học của các chuyên gia trong nước và quốc tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ cao giúp các bác sĩ chẩn đoán ngày càng chính xác, hạn chế các thao tác thủ công. Từ đó mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy, nhờ ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối Internet vạn vật và Big Data, hiện nay, phần lớn các xét nghiệm hóa sinh, miễn dịch và huyết học - truyền máu, một số xét nghiệm vi sinh, di truyền – sinh học phân tử, tế bào – mô bệnh học đã được tự động hóa cho ra kết quả nhanh chóng, rút ngắn rất nhiều thời gian so với trước đây.
Cụ thể, công nghệ sinh học phân tử đã giúp phòng xét nghiệm có thể định danh vi khuẩn, các gen kháng thuốc của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn, chỉ trong 1 giờ, giúp bác sĩ lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp ngay từ đầu, hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải phẫu bệnh được tự động hóa giúp chẩn đoán nhanh chóng chính xác, hạn chế thao tác đọc thủ công, hạn chế tính chủ quan người đọc.
Cùng với đó, ứng dụng kỹ thuật khối phố trong chẩn đoán một số hormone, vitamin, theo dõi nồng độ kháng sinh, thuốc điều trị, thuốc ức chế miễn dịch... giúp bác sĩ gia giảm thuốc điều trị phù hợp từng cá thể bệnh nhân…
Báo cáo “Ứng dụng Giải phẫu bệnh Kỹ thuật số trong quản lý và biện giải kết quả bằng thuật toán tại Bệnh viện Chợ Rẫy” của BS.CKII Hoàng Văn Thịnh, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực chẩn đoán Giải phẫu bệnh, mang lại nhiều lợi ích về độ chính xác và hiệu quả.
Cụ thể, với việc phân tích dấu ấn sinh học trong ung thư vú và trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, các thuật toán AI đã được áp dụng để tự động hóa quá trình phân tích, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian cho các bác sĩ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự đồng thuận cao giữa kết quả phân tích của thuật toán và biện giải thủ công bởi các bác sĩ, với độ chính xác và tái lặp cao.
Còn theo BS Dewi Yennita Sari SpPK, Giám đốc phòng xét nghiệm trung tâm, Bệnh viện Persahabatan (bệnh viện hạng A - Bộ Y tế Indonesia), áp dụng công nghệ IT tiên tiến trong phòng xét nghiệm, quản lý chất lượng (QC) tự động, giúp tiết kiệm hóa chất, tăng năng suất nhân viên, ít nhân lực hơn. BS Dewi Yennita Sari SpPK cho rằng, giải pháp công nghệ thông tin và xây dựng phòng xét nghiệm xanh là xu hướng trong tương lai. Kết quả chính xác, nhanh và ít nhân lực là chìa khóa để tăng lợi nhuận trong phòng xét nghiệm.