Ung thư vú đứng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ
So với con số cách đây mười năm, số người ung thư vú đã tăng gấp đôi.
Ung thư vú hiện đứng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ tại Việt Nam. So với con số cách đây mười năm, số người ung thư vú đã tăng gấp đôi. Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ đa số người mắc ung thư vú phát hiện muộn khiến cho bệnh càng trở nên nan giải, hầu như không thể chữa trị”, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết.
GS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị ung thư vú. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới hơn 80%, ở giai đoạn 2, tỷ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn chứ không chữa khỏi được nữa. Tỷ lệ người mắc phải nhóm bệnh này ở nhóm tuổi 35 – 40 thậm chí là dưới 35 ngày càng tăng. Và điều đáng buồn là đa số bệnh nhân tìm đến điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Có tới 2/3 số người biết mình mắc bệnh khi đã ở giai đoạn 3 – 4, nên khả năng chữa khỏi hoàn toàn rất thấp.
Qua khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện K thì phụ nữ trẻ mắc ung thư vú thường phát hiện bệnh muộn nên khả năng sống thấp. Không những thế, nguy cơ tái phát cũng cao hơn. Nhiều người đã có sẵn mầm bệnh nhưng chủ quan, không đi khám định kỳ nên bệnh diễn biến nặng.
Dễ dàng tự phát hiện
GS Đức cũng cảnh báo, ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên rất nhiều người chủ quan với nó. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp nhưng nhiều chị em chưa ý thức được điều này và cũng không quan tâm đến việc tự “khám” cho mình.
Một nghiên cứu khác về kiến thức phòng chống ung thư thực hiện năm 2008, tại 10 tỉnh, thành cũng cho thấy thực tế này. Trong số hơn 8000 người được hỏi thì có đến 53% (một nửa là phụ nữ) chưa từng nghe nói về tự khám vú để phát hiện sớm ung thư vú. Nhiều người vẫn quan niệm ung thư là bệnh nan y nên việc phát hiện sớm hay muộn cũng không có gì khác biệt.
Những phụ nữ đã có chị hoặc mẹ bị ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người khác. Ngoài ra, những phụ nữ 35 – 50 tuổi chưa bao giờ sinh đẻ, phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi, người có chế độ ăn nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và phụ nữ béo phì cũng dễ bị ung thư vú.
Cách phụ nữ tự phát hiện bệnh khá đơn giản. Mỗi lần sau kỳ kinh nguyệt hoặc cùng ngày mỗi tháng (nếu đã mãn kinh), chị em có thể tự khám cho mình. Ở tư thế nằm: Nằm ngửa, để một gối đệm dưới vai phải. Dùng 3 ngón tay giữa tay trái để khám vú phải bằng cách ấn nhẹ, vừa và mạnh xuống theo vòng tròn, tránh không nhấc các ngón tay khỏi da. Di chuyển theo hình vòng tròn từ trên xuống dưới. Cảm nhận sự thay đổi của vú, sờ vùng trên và dưới xương đòn và trong vùng nách của bạn. Tương tự dùng tay phải khám cho vú trái. Cũng có thể tự khám trước gương. Đặt hai bàn tay ra sau đầu hoặc chống hai bên hông. Kiểm tra xem có bất thường nào ở cả hai bên vú: Tiết dịch, sự co kéo, lõm da hoặc núm vú hoặc bất cứ sự thay đổi nào của bề mặt da. Bóp nhẹ núm vú xem có tiết dịch hay không.
Ngoài việc tự khám hàng tháng, chị em có thể đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám lại cẩn thận nếu thầy mình có một vài triệu chứng sau: Có một khối u, sưng hoặc một phần mô vú dày cộm; vú bị sưng, ấm, bị đỏ hoặc bị sẫm màu lại; thay đổi về kích thước hoặc hình dạng vú; da ở vú bị lõm vào, loét hoặc nhăn nhúm; ngứa, đau, tróc da trên núm vú; núm vú bị tụt vào hay đột nhiên có chất tiết dịch, đặc biệt là dịch màu hồng; có khối u, hạch vùng nách hoặc vùng trên xương đòn; vú bị đau./.