Viêm gan bí ẩn ở trẻ em: Những triệu chứng cần lưu ý
VOV.VN - Giới chức y tế bày tỏ mối quan ngại trước sự gia tăng của các ca mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em và hiện đang nỗ lực giải mã căn bệnh nguy hiểm này. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là bố mẹ cần chú ý và theo dõi những dấu hiệu bệnh của trẻ.
Hiện đã có hơn 170 trẻ em (chủ yếu ở Anh) mắc bệnh viêm gan bí ẩn không rõ nguyên nhân, trong đó đã có 1 trẻ tử vong và 17 trẻ cần được ghép gan. Căn bệnh đã lan ra hơn 10 quốc gia, với trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại châu Á là ở Nhật Bản.
Nguyên nhân gây ra sự lây lan của bệnh viêm gan
Viêm gan siêu vi thường là do virus viêm gan A, B, C, D hoặc E gây ra, nhưng các dấu hiệu của những loại virus này vẫn chưa xuất hiện trong các trường hợp viêm gan nặng ở trẻ gần đây.
Các chuyên gia y tế đã đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa bệnh viêm gan này với virus adenovirus. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã phát hiện một số trẻ nhiễm adenovirus 41. Tuy nhiên, adenovirus dường như không giải thích đầy đủ cho tất cả các trường hợp mới xuất hiện.
“Mặc dù adenovirus là một giả thuyết có thể xảy ra, nhưng các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành để tìm tác nhân gây bệnh”, WHO cho biết.
Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đã bác bỏ giả thuyết liên quan đến tác dụng phụ của vaccine COVID-19 bởi phần lớn bệnh nhi đều chưa được chủng ngừa.
Như vậy, hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan nặng ở trẻ em vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học đang thu thập các báo cáo về căn bệnh và tiếp tục điều tra nguyên nhân cụ thể.
Các triệu chứng viêm gan cấp tính cần lưu ý
Tiến sĩ Meera Chand, Giám đốc phụ trách các bệnh nhiễm trùng mới nổi và lâm sàng tại UKHSA, đã khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh viêm gan (bao gồm cả vàng da).
Bà cho biết: “Trẻ em có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa bao gồm nôn mửa và tiêu chảy nên ở nhà và không trở lại trường học hoặc nhà trẻ cho đến 48 giờ sau khi các triệu chứng chấm dứt”.
Các triệu chứng viêm gan khác cần chú ý:
- Vàng da hoặc mắt
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân màu nhạt
- Ngứa da
- Đau cơ và khớp
- Sốt; buồn nôn hoặc nôn
- Cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc
- Chán ăn
- Đau bụng
Tiến sĩ Chand nhấn mạnh các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay sạch sẽ và vệ sinh đường hô hấp kỹ lưỡng, có thể giúp giảm sự lây lan của nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường, bao gồm cả adenovirus.
Cơ quan y tế cũng nhắc nhở mọi người nên tránh chạm tay vào mặt, miệng và giữ khoảng cách khi có thể do adenovirus thường được truyền từ người này sang người khác và khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm, cũng như qua đường hô hấp./.