Việt Nam có số người mắc đái tháo đường nhiều nhất Đông Nam Á
VOV.VN - Việt Nam hiện có gần 3,3 triệu người mắc bệnh tiểu đường, đáng lo ngại là bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều.
Sáng 16/11, tại TP Ninh Bình, Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường và tổng kết dự án “Nghiên cứu can thiệp lối sống ở cộng đồng để phòng chống bệnh đái tháo đường typ 2 tại Nình Bình” do Liên đoàn Đái tháo đường thế giới tài trợ.
Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới, gây giảm tuổi thọ trung bình từ 5 - 10 năm và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận, cắt cụt chi.
Trên thế giới, cứ 6 giây lại có 1 người chết do bệnh đái tháo đường và cứ 20 giây lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt chi do biến chứng bàn chân. Cứ 5 người mắc đái tháo đường trên thế giới thì 4 người ở các nước đang phát triển.
Người dân Ninh Bình được thử đường huyết miễn phí.
Theo Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa, Dự án “Nghiên cứu can thiệp lối sống dựa vào cộng đồng để phòng chống bệnh đái tháo đường tại tỉnh Ninh Bình” nhằm phát hiện sớm các đối tượng mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng để quản lý, đưa được các mô hình, các kỹ thuật, bộ dụng cụ, tài liệu can thiệp cộng đồng phòng chống và giảm số người mắc bệnh này cũng như các yếu tố nguy cơ tại cộng đồng; đồng thời đào tạo được đội ngũ nghiên cứu viên, các bác sỹ và y tá chuyên môn về phòng chống đái tháo đường.
Từ năm 2011 đến nay, Dự án đã tác động tới khoảng 70.000 người của tỉnh Ninh Bình, khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho 7.200 người có yếu tố nguy cơ cao và phát hiện 851 người mắc bệnh này.
PGS.TS. Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, sự thành công của dự án này là cơ sở để Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế triển khai các biện pháp can thiệp phòng chống bệnh đái tháo đường tại nhiều tình, thành của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển.
“Các nghiên cứu can thiệp vào lối sống và nhận thức của cộng đồng, bao gồm cả hệ thống hành chính quốc gia, hệ thống y tế, đặc biện là nhận thức của người dân để thay đổi lối sống, thay đổi thói quen ăn uống, đi lại, luyện tập, làm giảm được 53% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong thời gian dự án theo dõi. Đây là kết quả đáng khích lệ. Dự án ở Ninh Bình sẽ là điểm nhấn của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, cũng giống như các nghiên cứu lớn trên thế giới, đóng góp vào đáng kể vào phòng chống bệnh đái tháo đường của thế giới và Việt Nam”, PGS.TS. Tạ Văn Bình chỉ rõ./.