Virus Nipah bùng phát tại Ấn Độ có nguy hiểm hơn SARS-CoV-2?
VOV.VN - Bang Kerala của Ấn Độ đang chiến đấu với loại virus khác nhau. Có sự gia tăng về số ca nhiễm coronavirus và sự bùng phát virus Nipah. Mặc dù những virus này về bản chất có thể gần giống nhau, nhưng vẫn có sự khác biệt.
Virus Nipah là gì?
Một cậu bé 12 tuổi ở Kerala đã tử vong vì virus Nipah vào cuối tuần qua. Giới chức y tế xác nhận 11 người đã tiếp xúc với cậu bé, đều có biểu hiện của căn bệnh này.
Virus Nipah phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1990. Ở Ấn Độ, Nipah phát hiện lần đầu tiên ở Siliguri, Tây Bengal vào năm 2001, khiến 45 người tử vong. Bang Kerala cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus Nipah vào năm 2018. Thông tin nguy hiểm là tỷ lệ tử vong do virus gây ra là 40-80% và thời gian ủ bệnh là hai tuần.
Virus Nipah có thể lây truyền từ động vật sang người và cũng có thể truyền qua thực phẩm bị nhiễm bệnh hoặc trực tiếp giữa người với người. Dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae - thường gọi là "cáo bay" - là vật mang mầm bệnh tự nhiên của Nipah. Những người bị nhiễm virus có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp cấp tính và viêm não gây tử vong. Nhiễm virus không chỉ gây tử vong cho con người mà còn cho cả động vật.
Các triệu chứng của virus Nipah
Những người bị nhiễm virus Nipah có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như mắc COVID-19. Ho, đau họng, chóng mặt, buồn ngủ, đau cơ, mệt mỏi và sưng não (viêm não), có thể gây nhức đầu, cứng cổ, rối loạn tinh thần, co giật và nhạy cảm với ánh sáng là một số triệu chứng phổ biến. Một số người bị diễn tiến nghiêm trọng sẽ hôn mê và cuối cùng là tử vong.
Điều trị
Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân nhiễm virus Nipah. Nếu phát hiện các triệu chứng, bệnh nhân phải tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức. Người bệnh sẽ được chẩn đoán qua kiểm tra RT-PCR, dịch não tủy, nước tiểu và xét nghiệm máu. Một số loại thuốc điều trị viêm não và các triệu chứng khác được các bác sĩ khuyên dùng cho người bệnh nhiễm virus Nipah. Tuy nhiên không nên tự dùng thuốc vì điều đó có thể làm tăng nguy cơ và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Cách phòng tránh
Không ăn trái cây rơi trên mặt đất và tránh tiếp xúc với động vật hay người bị nhiễm virus. Hiện vẫn chưa có vaccine để chống lại virus Nipah. Tránh xa dơi ăn quả, tránh chạm hoặc đến gần động vật đi lạc./.