Vụ Bí thư huyện ủy chết trong ô tô: Chuyên gia phân tích ngạt khí CO
Bí thư huyện ủy Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (39 tuổi) và cô gái 21 tuổi chết trong ôtô là do ngạt khí CO. Vậy ngạt khí CO sẽ dẫn tới cái chết thế nào?
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: “Khí thải của ống khói hở tạo cơ hội cho khí CO và CO2 tràn vào bên trong, khiến nạn nhân bị ngạt, dẫn tới tử vong”.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, CO là khí không mùi, không màu, cướp mất oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân ngạt thở, hôn mê và tử vong. Đặc biệt, các loại khí này không gây đau đớn, khiến nạn nhân tử vong nhanh, nhưng êm dịu như một giấc ngủ sâu.
Theo ông Côn, trong không gian kín, các loại khí thải từ ôtô, xe máy và các động cơ đốt trong, chạy bằng xăng dầu đều rất nguy hiểm, chúng nhanh chóng đốt cháy oxy, đồng thời nhả CO2, đạt đến mức độ nhất định sẽ gây ra chết ngạt. Nếu nồng độ này lên tới ngưỡng gấp đôi bình thường, nạn nhân có biểu hiện choáng, khó thở. Đặc biệt, nếu lượng CO2 ngay lập tức làm đầy trong xe có thể gây chết người chỉ trong 2-3 phút.
Nói về cách sơ cứu, theo PGS Trần Hồng Côn, người bị ngạt khí nặng sẽ có những biểu hiện như đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim và tử vong một cách nhẹ nhàng. Trong trường hợp này, cần nhanh chóng giải cứu nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng. Nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng khí độc. Trong trường hợp bản thân người đang ở trong không gian kín như ôtô như vụ việc trên, nếu cảm thấy khó thở, hơi choáng nên mở cửa xe và ra ngoài ngay.
PGS Trần Côn khuyến cáo không nên chạy động cơ sử dụng xăng, dầu trong các khu vực khép kín. Người sử dụng ôtô cần bảo trì thường xuyên để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra./.