Xơ vữa động mạch ở người cao tuổi
Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, nhối máu cơ tim, thiểu năng mạch vành, đột quỵ… bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi
Đây là hiện tượng thành lòng động mạch bị xơ cứng, hẹp lại, tắc cục bộ gây biến chứng nguy hiểm.
XVĐM có thể gặp ở mọi vị trí trong cơ thể nhưng nguy hiểm nhất vẫn là ở động mạch nuôi tim (động mạch vành), động mạch não.
Các nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây nên XVĐM ở NCT nhưng nguyên nhân chính là do lượng cholesterol trong máu tăng cao(bình thường cholesterrol trong máu < 5,2mmol/l), đặc biệt là loại LDL - C (Low Density Lipoprotein Cholesterol).
Bình thường LDL - C trong máu nhỏ hơn 3,4mmol/lít (< 130mg/dl). Khi dư thừa LDL - C sẽ xuất hiện hiện tượng tích tụ lớp mỡ trong lòng động mạch ngày một nhiều hoặc khi bị giảm HDL - C (High Density Lipoprotein Cholesterol) thì nguy cơ xơ vữa động mạch sẽ xuất hiện. Chất lipoprotein có tính chất bảo vệ thành mạch, khác với LDL - C, nếu giảm HDL-C là có nguy cơ cao với hiện tượng xơ vữa động mạch (bình thường HDL - C trong máu > 0,9mmol/l, khi HDL - C dưới chỉ số này tức là có hiện tượng bị giảm).
Người ta nghiên cứu và tổng kết cho thấy rằng, nguyên nhân của sự gia tăng cholesterol máu lệ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn quá nhiều thức ăn có chứa cholesterol như: phủ tạng động vật, thịt có màu đỏ (thịt chó, thịt trâu, thịt bò, thịt ngựa), tôm, trứng, dầu dừa, mỡ các loại động vật sữa toàn phần (là những thực phẩm có dầu mang nhiều acid béo bão hòa) hoặc ăn dư thừa năng lượng gây béo phì.
Có một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng, tăng lượng cholesterol trong máu cũng có thể do tính chất gia đình (di truyền) hoặc do mắc một số bệnh như suy giáp trạng, hội chứng thận hư, đái tháo đường, một số bệnh gây rối loạn protein máu (đa u tuỷ xương…).
Ở những người do ít vận động: thợ may, người đánh máy, lái xe chuyên nghiệp, nhân viên tổng đài… cũng có nguy cơ XVĐM.
Ở NCT có một số do ít vận động lại thường ăn chế độ nhiều đạm, nhiều mỡ khiến cho năng lượng tích tụ lại thành mỡ làm tăng lượng LDL – C (cholesterol xấu) và giảm lượng HDL - C( cholesterol tốt) cũng là những yếu tố thuận lợi cho XVĐM.
Một số biểu hiện của bệnh
Bệnh XVĐM có tính chất từ từ và xảy ra trong một thời gian dài nếu không phát hiện kịp thời thì sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình. XVĐM sớm muộn cũng làm cho thành động mạch xơ cứng, lòng động mạch bị hẹp lại làm cho máu cung cấp cho các cơ quan giảm đi. XVĐM vành gây thiếu máu cục bộ, thiếu máu cơ tim, gây đau thắt ngực và có thể gây cơn đau tim đột ngột làm đột quỵ và tử vong.
Nếu XVĐM ở não thì não sẽ bị xơ cứng, lòng động mạch não nên gây hiện tượng rối loạn tuần hoàn não và nặng hơn là đột quỵ do tắc mạch não hoặc nhũn não. XVĐM ở NCT có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào trong cơ thể.
Trong những giai đoạn đầu của bệnh XVĐM, triệu chứng rất nghèo nàn, vì vậy NCT cần được khám bệnh định kỳ và làm xét nghiệm máu để biết có tăng cholesterol máu hay không.
Khi làm xét nghiệm cần lưu ý xét nghiệm cholesterol toàn phần(cholesterol) và cả cholesterol tốt (HDL - C) và cholesterol xấu (LDL - C). Ngoài ra cũng nên kiểm tra đường máu lúc đói và đo huyết áp định kỳ.
Phòng bệnh
Chế độ ăn là hết sức quan trọng đối với việc phòng bệnh XVĐM ở NCT.
Cần hạn chế ăn mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà mà thay thế vào đó là dùng dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng. Không nên ăn loại dầu dừa vì dầu dừa có nhiều acid béo béo bão hòa dễ gây nên hiện tượng XVĐM. Nên ăn các thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành như đậu phụ.
Mỗi tuần nên ăn cá từ 2 – 3 ngày, bởi vì trong mỡ của cá có nhiều chất béo omega - 3 rất tốt cho thành động mạch. Không nên ăn các loại lòng như lòng lợn, lòng trâu, bò và hạn chế ăn tôm, trứng. Các bữa ăn hàng ngày nên tăng cường lượng rau xanh, hoa quả.
Cần vận động cơ thể như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao tùy theo sức mình.
Nếu vận động đều, có bài bản và phù hợp thì có thể làm tăng lượng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và đồng thời làm giảm huyết áp đối với người đang bị tăng huyết áp mạn tính.
Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp nhằm làm giảm lượng cholesterol mà không đạt kết quả thì phải dùng thuốc. Tất nhiên dùng loại thuốc gì và dùng liều lượng ra sao, trong thời gian bao lâu đều cần có chỉ định của bác sĩ./.