Tại sao xe có thể cháy bất ngờ

VOV.VN - Những vụ hoả hoạn xe hơi có thể bắt nguồn từ một hoặc nhiều lý do dưới đây.

1: Lỗi kỹ thuật


Những lỗi kỹ thuật thường không trực tiếp khiến xe cháy. Tuy nhiên, chúng lại gián tiếp tạo ra những điều kiện thuận lợi khiến ô tô phát hoả. Thông thường, những nhà sản xuất xe hơi sẽ phát hiện ra những lỗi này trước khi có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Họ sẽ cho triệu hồi lại những chiếc xe bị lỗi và sửa chúng miễn phí, vì không một hãng nào lại muốn khách hàng của mình gặp tai nạn cả.

Cần phải nói thêm rằng ngay cả những thương hiệu xe cao cấp nhất như Mercedes cũng đều ít nhất một lần phải triệu hồi lại xe vì những lỗi kỹ thuật; chính vì vậy nguyên nhân này có thể xuất hiện trên bất cứ hãng xe nào.

2: Không bảo dưỡng thường xuyên:


Dù cũng không phải nguyên nhân trực tiếp gây hoả hoạn, nhưng việc không bảo dưỡng thường xuyên cũng sẽ khiến xe bạn có nguy cơ cháy cao hơn. Trong quá trình bảo dưỡng, những bộ phận hỏng sẽ được phát hiện và sửa chữa kịp thời, giúp giảm khả năng phát sinh hoả hoạn. Theo các chuyên gia, người sử dụng xe tốt nhất nên lập kế hoach bảo dưỡng định kỳ xe sau mỗi 3 tháng.

3: Tai nạn giao thông


Phụ thuộc vào điểm va chạm, một tai nạn xe hơi có thể dẫn đến hoả hoạn. Phần lớn những chiếc xe mới đều được thiết kế khá an toàn với những vùng hấp thụ lực va chạm, giúp bảo vệ động cơ, bình xăng hay ống dẫn nhiên liệu.

Tuy nhiên, một lực va đập đủ lớn cũng có thể khiến những bộ phận này bị rò rỉ, hoặc tạo khói và nhiệt ở một nơi nào đó trên xe. Thường thì xe sẽ không bốc cháy ngay sau khi tai nạn, chính vì vậy người lái và hành khách cần thoát ra ngoài càng sớm càng tốt.

4: Có người phóng hoả



Đây là một trong những lý do trực tiếp dẫn đến hoả hoạn, mặc dù khá hiếm gặp. Thủ phạm có thể đốt xe để trả thù cá nhân, che đậy những dấu vết phạm tội, lừa tiền bảo hiểm hoặc thậm chí là chỉ muốn phá hoại.

Đối phó với nguyên nhân này khá đơn giản, do đốt cháy một chiếc xe rất dễ dàng, nhưng cái khó là làm thế nào để có thể làm điều đó mà không bị phát hiện. Hãy cố gắng đỗ xe ở nơi đông người, gara hoặc trong những bãi gửi xe công cộng, ngay sát những chiếc xe khác.

5: Pin trên những xe điện và hybrid


Năm vừa qua, hãng sản xuất xe điện Tesla đã phải giải quyết một loạt những vụ cháy liên quan đến chiếc Model S, do những mảnh vụn bắn vào pin khi xe chạy nhanh, gây thủng và dẫn đến phát hoả. Trong những năm 2011 và 2012, những chiếc Chevrolet Volt cũng bốc cháy trong các bài thử nghiệm va chạm. Công nghệ pin trên những chiếc xe điện hiện giờ vẫn đang từng ngày phát triển để trở nên an toàn hơn, chính vì vậy chúng ta gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trông đợi vào các thành tựu từ những nhà sản xuất xe.

6: Bộ lọc khí thải quá nhiệt


Là một trong những bộ phận nóng nhất khi xe hoạt động, nhưng những bộ lọc khí thải lại thường không được chú ý tới. Nếu như động cơ không hoạt động hiệu quả, nhiên liệu sẽ không được đốt cháy hết và khiến cho hệ thống xả nóng hơn bình thường. Trong trường hợp này, bộ lọc khí thải sẽ phải làm việc nhiều hơn. Nhiệt độ của chúng có thể dao động từ khoảng hơn 600 tới gần 1100 độ C. Khi quá nóng, bộ lọc khí thải có thể làm hỏng các tấm chắn nhiệt và khiến cho lớp cách âm của cabin bốc cháy.

7: Động cơ quá nóng


Một động cơ hoạt động ở nhiệt độ quá cao sẽ không tạo ra lửa, nhưng chúng sẽ khiến cho dầu hay các chất làm mát sôi lên, tràn ra ngoài, tiếp xúc với những vùng nóng và bắt lửa. Và nếu động cơ nóng hơn bình thường, điều đó chứng tỏ rằng nó đang có vấn đề. Hãy ngay lập tức đưa chiếc xe đi kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và sửa chữa chúng.

8: Rò rỉ các chất dễ cháy


Một chiếc ô-tô bình thường có rất nhiều chất dễ cháy: nhiên liệu, dầu động cơ, dầu hộp số, dầu tay lái, dầu phanh và thậm chí là cả chất làm mát động cơ. Những chất lỏng này lưu thông khi xe hoạt động, và chúng rất dễ bốc cháy khi gặp nguồn nhiệt.

Nếu như bị rò rỉ ở một nơi nào đó, có thể chúng sẽ không phát hoả ngay nhưng khi kết hợp cùng với một yếu tố khác, hoả hoạn là điều không thể tránh khỏi. Phần lớn những chất lỏng này tập trung ở động cơ, nhưng một số lại nằm trong các đường ống chạy dọc theo chiều dài của xe như dầu phanh hay nhiên liệu.

9: Chập điện


Đây là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn tới hoả hoạn xe hơi. Ắc quy của xe hơi bình thường cũng có rất nhiều vấn đề xung quanh nó, tương tự như pin nhiên liệu ở các xe điện. Những vòng sạc của ắc quy có thể tạo ra khí hydro và tích tụ trong khoang động cơ, và dòng điện do ắc quy tạo ra cũng có thể khiến các chất dễ cháy phát hoả. Những hiểm hoạ liên quan đến hệ thống điện không chỉ nằm dưới nắp ca-pô. Các dây điện bị sờn nằm trong nội thất cũng có thể gây ra chập điện và hoả hoạn.

10: Thủng đường ống dẫn nhiên liệu


Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc xe bị cháy. Xăng khi ở nhiệt độ từ 7.2 độ C đã có thể dễ dàng bốc cháy với chỉ một tia lửa điện, và xăng sẽ tự bốc cháy ở 257.2 độ C. Chính vì vậy, chỉ một lỗ thủng nhỏ ở bất kỳ nơi đâu trên hệ thống ống dẫn nhiên liệu cũng có thể là nguy cơ dẫn tới thảm hoạ.

Cách tốt nhất để hạn chế điều này đó là bảo dưỡng xe thường xuyên. Và nếu bạn đột nhiên ngửi thấy mùi xăng nồng nặc ở xe, tốt nhất hãy ngay lập tức đưa xe đến xưởng sửa chữa để tìm nguyên nhân và khắc phục./.



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên