11 ứng viên Tổng thống Pháp "lao vào" đả kích nhau trên truyền hình
VOV.VN - Thay vì trình bày kế hoạch giải quyết các vấn đề nóng của đất nước hiện tại, 11 ứng viên Tổng thống Pháp lại lao vào đả kích nhau dữ dội.
Sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ vì chỉ chọn 5 ứng cử viên “nặng ký” nhất cho cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên cách đây hai tuần, các kênh truyền hình lớn tại Pháp vừa quyết định mở rộng phiên tranh luận lần 2 cho tất cả 11 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp năm nay.
11 ứng viên Tổng thống Pháp đồng loạt xuất hiện trên truyền hình trong một cuộc tranh luận chung. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, quyết định chưa có tiền lệ này đã biến cuộc tranh luận diễn ra tối 4/4 thành một cuộc chạy đua đả kích cá nhân thay vì tranh đấu lý lẽ trong các chủ đề quan trọng như việc làm, bảo vệ công dân Pháp và đạo đức trong chính trị.
Ý thức được sự thua kém về mặt truyền thông so với các ứng cử viên lớn, nhóm các ứng cử viên nhỏ, gồm 6 người không xuất hiện trong cuộc tranh luận đầu tiên, đã nhanh chóng sử dụng chiến thuật tấn công ngay từ đầu phiên tranh luận.
Ứng cử viên Philippe Poutou của Đảng Chống Tư bản mới (NPA) công kích trực diện các vụ bê bối gần đây của ông Francois Fillon và bà Marine Le Pen.
“Từ tháng 1 đến nay, với ông Fillon, càng đào sâu vào các vụ việc thì chúng ta càng thấy rõ chuyện tham nhũng và gian lận. Vậy mà ông ấy luôn miệng giải thích với chúng ta rằng cần phải thực thi các chính sách khắc khổ và thắt lưng buộc bụng.
Cả bà Le Pen cũng thế, với việc gian lận công quỹ, không phải ở Pháp mà ở châu Âu. Thế nhưng bà ấy, người luôn tuyên bố là chống lại hệ thống, lại thanh thản và chẳng hề hấn gì chỉ vì có quyền miễn trừ”, ông Poutou cáo buộc.
Đáp trả lời công kích từ ông Poutou và sau đó là từ ứng cử viên Nicolas Dupont-Aignan của đảng Nước Pháp đứng lên, ông Fillon đe doạ sẽ kiện ông Poutou ra toà, đồng thời khẳng định chỉ có người dân Pháp mới có quyền đưa ra phán quyết về các vụ việc rắc rối gần đây của ông.
Cuộc chiến công kích cá nhân này tiếp diễn trong suốt cuộc tranh luận kéo dài 4 tiếng, khi lần lượt các ông Macron và ông Jean-Luc Melenchon trở thành mục tiêu.
Ông Macron bị công kích vì quá khứ từng làm nhân viên ngân hàng Rothschild nên bị coi là người của giới tài phiệt trong khi ông Melenchon bị chỉ trích vì các kế hoạch được cho là phi thực tế liên quan đến tương lai của nước Pháp trong liên minh châu Âu.
Xét tổng thể, cuộc tranh luận truyền hình lần 2 này được cho là không có chất lượng như chờ đợi bởi số lượng quá lớn các ứng cử viên tham gia tranh luận khiến thời lượng dành cho từng ứng cử viên bị rút ngắn.
Sự hạn chế về mặt thời gian khiến đa số các ứng cử viên chọn chiến thuật công kích trực diện đối thủ thay vì tập trung bảo vệ các dự án tranh cử của mình.
Vì lí do này, rất nhiều ứng cử viên từng lưỡng lự trước khi tham dự phiên tranh luận lần 2 này như các ông Melenchon, Macron hay Fillon rất có thể sẽ từ chối tham dự phiên tranh luận thứ 3 dự kiến được tổ chức 3 ngày trước thời điểm bắt đầu vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4.
Thăm dò dư luận sau cuộc tranh luận do hãng Elabe thực hiện cho thấy diễn biến tranh luận không có tác động quá lớn đến tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên.
Ông Macron và bà Le Pen vẫn dẫn đầu trong các dự đoán bỏ phiếu vòng 1. Tuy nhiên, ông Melenchon đang có sự thăng tiến nhanh chóng để bắt kịp tốp đầu. Ứng cử viên của Đảng Nước Pháp Bất khuất được đánh giá là người có màn tranh luận thuyết phục nhất trong phiên tranh luận thứ 2, với 25% số cử tri lựa chọn./.
Bầu cử Tổng thống Pháp: Kết quả bất ngờ do người dân quá thất vọng