35 hậu duệ của thiên tài Leonardo da Vinci vẫn đang sống tại Italy?
VOV.VN - Hai nhà nghiên cứu người Italy đã xác minh được 35 người nhiều khả năng là hậu duệ của thiên tài Leonardo da Vinci hiện vẫn đang sống ở Italy.
Theo Sputnik News, Alessandro Vezzosi- Giám đốc Bảo tàng Leonardo da Vinci và Agnese Sabato- Chủ tịch Hội Leonardo da Vinci- cho biết họ đã mất tới 43 năm đề làm điều này bởi rất nhiều các tác phẩm của thiên tài thời Phục hưng này đã bị mất tích từ thế kỷ thứ 16 trong các cuộc chiến tranh tôn giáo.
Hình ảnh thiên tài người Italy Leonardo da Vinci tại một triển lãm ở châu Âu năm 2006. Ảnh AFP
Theo hai nhà nghiên cứu, Leonardo da Vinci, qua đời vào năm 1519 ở Amboise, Pháp và họ đã phải tìm cách phục dựng lại gia phả 15 đời của thiên tài người Italy.
Họ đã sử dụng các tài liệu mà ông nội của Leonardo da Vinci, ông Antonio để lại để bắt đầu công việc của mình bởi Leonardo da Vinci không có con.
Ông Antonio đã ghi lại ngày sinh của Leonardo da Vinci và cho biết Ser Piero là cha để của thiên tài người Italy. Dù vậy, ông lại không hề đề cập đến mẹ của Leonardo da Vinci.
Sau đó, họ tìm thấy một dòng ghi chú của ông Antonio từ năm 1457, ghi lại rằng, mẹ của Leonardo da Vinci nhiều khả năng là bà Caterina, vợ của Achattabriga di Piero del Vaccha da Vinci.
“Chúng tôi đã phải kiểm tra rất nhiều tài liệu và lăng mộ ở cả Pháp và Tây Ban Nha”, ông Vezzosi nói: “Chúng tôi thậm chí còn tìm thấy một ngôi mộ của gia đình Leonardo da Vinci ở Vinci”.
Theo hai chuyên gia này, hậu duệ của Leonardo da Vinci hiện đều sống tại Florence cà các làng lân cận như Empoli và Vinci ở Italy. Trong số này có một người làm ngân hàng, một cảnh sát, một kế toán, một thợ rèn đã nghỉ hưu và cả Đạo diễn Franco Zeffirelli, người từng được đề cử giải Oscar.
Đáng chú ý, một trong những người được cho là hậu duệ của Leonardo da Vinci, ông Giovanni Calosi kể lại rằng, mẹ ông thường đề cập đến những tài liệu và thư từ được viết ngược và chỉ có thể đọc bằng gương- cách viết quen thuộc của thiên tài người Italy.
“Tôi đã được nghe câu chuyện về việc dòng máu của cụ Leonardo da Vinci chảy trong huyết quản của mẹ mình, nhưng gia đình tôi chỉ cho đó là truyền thuyết. Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng những tài liệu này là quan trọng. Chính vì thế chúng đã bị thất lạc hoặc bị bán đi. Những gì mà chúng tôi coi là truyền thuyết hóa ra lại là sự thật”, ông Calosi nói./.