5 bộ trưởng Ai Cập từ chức vì khủng hoảng chính trị

(VOV) - Các Bộ trưởng nộp đơn từ chức thuộc Bộ Du Lịch, Môi trường, Truyền
thông, Nghị viện và Bộ phụ trách các vấn đề pháp lý, công cộng.

Ngày 1/7, 5 Bộ trưởng của Ai Cập nộp đơn từ chức lên Nội các nước này, một động thái cảnh báo sự tan rã của nội bộ chính phủ trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối Tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống Mohamed Morsi bước sang ngày thứ hai với con số thương vong tiếp tục tăng.

Đài truyền hình nhà nước Ai Cập cho biết, các Bộ trưởng nộp đơn từ chức thuộc các Bộ Du Lịch, Môi trường, Truyền thông, Nghị viện và Bộ phụ trách các vấn đề pháp lý, công cộng. Lý do từ chức của các Bộ trưởng này là để phản đối cuộc khủng hoảng chính trị đang tái diễn ở Ai Cập.

Trong khi đó, cùng ngày, người biểu tình phản đối chính phủ đã xông vào cướp phá trụ sở của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở thủ đô Cairo. Bộ Y tế Ai Cập cho biết, trong vòng 2 ngày qua ít nhất 16 người đã thiệt mạng vì các vụ biểu tình bạo lực trên khắp cả nước, trong đó có 8 người chết trước trụ sở của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Đụng độ giữa những người phản đối và ủng hộ Tổng thống Morsi cũng đã làm 781 người bị thương.


Lo ngại trước tình trạng biểu tình bạo lực tại Ai Cập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/7 kêu gọi các bên đối thoại để xóa bỏ những khác biệt và tránh để xung đột leo thang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc bày tỏ quan ngại của chúng tôi trước tình hình ở Ai Cập. Chúng tôi ủng hộ tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng thông qua đối thoại chính trị, tránh thương vong và lập lại ổn định càng sớm càng tốt.”

Trước đó, Phủ Tổng thống Ai Cập nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Morsi muốn thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc một cách nghiêm túc nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng phân cực hiện nay. Tuy nhiên, Mặt trận Cứu quốc (NSF) - liên minh đối lập chính tại Ai Cập - đã ra "tuyên bố cách mạng", trong đó nêu rõ sẽ "từ chối hợp tác" với chính phủ của tổ chức Anh em Hồi giáo. Cùng ngày, Phong trào Tamarod (tức “Nổi dậy”) ra một tối hậu thư cho Tổng thống Morsi, yêu cầu ông phải từ chức trước 5 giờ chiều 2/7 (theo giờ địa phương) để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm.

Bạo lực tại Ai Cập vẫn khó có thể kiểm soát dù trước đó quân đội Ai Cập đã triển khai binh sỹ, xe bọc thép và máy bay trực thăng tuần tiễu quanh những điểm nóng, đặc biệt là quảng trường Tahrir và Phủ Tổng thống. Quân đội Ai Cập cũng đã cảnh báo sẽ can thiệp mạnh tay hơn nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Giới quan sát nhận định nếu chính phủ của ông Morsi không thể xoa dịu tình hình thì nhiều khả năng Hội đồng quân sự tối cao Ai Cập sẽ quay trở lại nắm quyền như giai đoạn trước khi tổ chức bầu cử cách đây 1 năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên