60% năng lượng sử dụng tại Pakistan vào năm 2030 sẽ là ‘Sạch’
VOV.VN - Mục tiêu của Pakistan là sau 10 năm nữa, 60% nguồn năng lượng tiêu thụ tại quốc gia Nam Á này là "Sạch", tức là năng lượng tái tạo và không phát thải khí dioxide carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Đây là tuyên bố của Thủ tướng Pakistan Imran Khan đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Khí hậu diễn ra mới đây theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu 2020- sự kiện cấp cao kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố: Vào năm 2030, nước này sẽ có 60% điện năng sử dụng được tạo ra từ các nguồn năng lượng không phát thải khí carbon hoặc phát thải thấp. Bên cạnh đó, 30% số phương tiện giao thông tại Pakistan sẽ sử dụng điện vào năm nay.
Thủ tướng Pakistan cũng cho biết, quốc gia Nam Á này hiện chỉ đóng góp ít hơn 1% vào tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đang là nước chịu ảnh hưởng của biển đổi khí hậu lớn thứ 5 trên thế giới.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói: “Chúng tôi đã quyết định, trước tiên chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp dựa trên tự nhiên để giảm các tác động của biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm trồng 10 tỷ cây xanh trong vòng 3 năm tới. Ngoài ra, số vườn quốc gia và khu vực được bảo tồn tự nhiên tại Pakistan sẽ tăng từ con số 30 lên là 45. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng quyết định sẽ không còn các nhà máy nhiệt điện chạy than nữa. Chúng tôi đã cho dừng 2 dự án nhiện điện than với công suất thiết kế là 2.600 MW, thay thế bằng thủy điện.”
Theo nghiên cứu của tổ chức Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu, Pakistan là nước chịu thiệt hại nhiều thứ 5 vì biến đổi khí hậu. Quốc gia Nam Á này thiệt hại gần 10.000 sinh mạng, mất 3,8 tỷ USD giá trị kinh tế và chứng kiến hơn 150 hiện tượng thiên tai khắc nghiệt trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2018./.