6.000 người ung thư tuyến giáp vì sự cố Chernobyl

Tổng Thư ký Ban Ki-moon sẽ có bài phát biểu đánh dấu 25 năm ngày xảy ra vụ tai nạn nhà máy hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử

Theo Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Martin Neserki, ngày 26/4, Tổng Thư ký Ban Ki-moon sẽ có bài phát biểu đánh dấu 25 năm ngày xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine sau khi kết thúc chuyến thăm khu vực của nhà máy này. Đồng thời kêu gọi nỗ lực của thế giới nhằm xây dựng một cuộc sống bền vững an toàn cho các thế hệ tương lai. 

Thông cáo cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói rằng, chuyến thăm của ông tới nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tuần trước đã cho ông cơ hội chứng kiến những tác động và ảnh hưởng lâu dài của thảm họa hạt nhân tại nhà máy này. Sự kiện này không những cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, làm thay đổi số phận của bao nhiêu người mà còn làm suy giảm sức khỏe và gây những tác động nghiêm trọng đối với môi trường đối với nhiều thế hệ trước và sau thảm họa này.

Tuần trước, Chính phủ Ukraine cũng đã tổ chức cuộc hội thảo kéo dài 4 ngày tại thủ đô Kiev nhằm kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Chernobyl.

Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra cách đây 25 năm khi lò phản ứng số 4 của nhà máy phát nổ, làm phát tán lượng lớn phóng xạ. Đây là vụ tai nạn nhà máy hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, xảy ra vào ngày 26/4/1986. Ít nhất 31 người bị chết trực tiếp trong vụ nổ và hàng trăm nghìn người khác phải sơ tán.

Hậu quả là khu vực nằm trong bán kính 30 km đã bị nhiễm phóng xạ nặng, cùng với các khu vực lân cận ở Ukraine, Nga và Belarus cũng bị nhiễm phóng xạ. Tính đến nay, có hơn 6.000 người là con cháu và hậu duệ của những người tiếp xúc với phóng xạ trong giai đoạn xảy ra vụ nổ tại nhà máy điện Chernobyl đã được xác định mắc ung thư tuyến giáp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên