7 người thiệt mạng ở Tân Cương (Trung Quốc) do thời tiết lạnh cực đoan
VOV.VN - Trung Quốc đang hứng chịu đợt lạnh mạnh nhất mùa Đông năm nay với nền nhiệt giảm lên tới 20℃. Thời tiết lạnh cực đoan đã khiến 7 công nhân ở Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Bắc nước này thiệt mạng.
Chính quyền nhân dân thành phố Altay, Tân Cương, đêm muộn 28/11 đã ra thông báo cho biết, thời tiết lạnh cực đoan tại đây đã cướp đi sinh mạng của 7 công nhân tại một công trường ở thành phố này.
Theo thông báo được đăng trên Tân Hoa xã, từ ngày 20/11, Altay đã phải hứng chịu một đợt thời tiết lạnh mạnh nhất trong gần 10 năm trở lại đây, với gió giật mạnh, bão tuyết và nhiệt độ giảm sốc. Vào khoảng 23h00 ngày 26/11, chính quyền thành phố nhận được tin báo 8 nhân viên thi công đường bộ bị mất tích do thời tiết khắc nghiệt và xin cứu hộ. Đến khoảng 14h10 ngày 27/11, 8 người gặp nạn đã được tìm thấy và được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, 7 người trong số đó đã tử vong.
Được biết, từ 25/11, Đài Khí tượng Tân Cương đã phải phát đi cảnh báo sóng lạnh trong ba ngày liên tiếp. Riêng ngày 26/11, cơ quan này đã phải ban bố cảnh báo đỏ đầu tiên kể từ năm 2008 về không khí lạnh ở Tân Cương. Nhiệt độ ở thành phố Altay giảm sốc từ 0 độ xuống âm hơn 20 độ, thậm chí 30 độ. Nhiều gia súc của người dân địa phương cũng bị chết cóng do bão tuyết, theo truyền thông Trung Quốc.
Hiện nay, một đợt không khí lạnh mạnh đang ảnh hưởng tới hầu hết lãnh thổ nước này. Theo nhà phân tích khí tượng Thạch Nghiên (Shi Yan) của Mạng Khí tượng Trung Quốc, đợt lạnh này có đặc điểm là phạm vi ảnh hưởng rộng, cường độ mạnh và hiệu ứng gió lạnh rõ rệt. Trừ Tây Tạng và Vân Nam, 29/31 tỉnh, thành và khu tự trị từ khu vực Tây Bắc đến miền Nam Trung Quốc đều bị ảnh hưởng.
Vào lúc 6h00 sáng nay (29/11) giờ địa phương, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo sóng lạnh màu cam, mức cảnh báo cao nhất ngày thứ 3 liên tiếp trên toàn quốc. Từ 29-30/11 sẽ là khoảng thời gian chịu ảnh hưởng chính của đợt không khí lạnh này, nền nhiệt sẽ giảm mạnh từ 16-20 độ ở một số khu vực, như Cát Lâm, Quảng Tây và Giang Nam./.