75 năm NATO nỗ lực chứng minh sự đoàn kết
VOV.VN - Trải qua hơn 7 thập kỷ, NATO đã phát triển cả về quy mô và phạm vi hoạt động, tiếp tục đóng vai trò là lực lượng thống nhất gắn kết các quốc gia trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Tuy nhiên, liên minh quân sự này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp ngày càng gia tăng.
Hôm nay (4/4) đánh dấu tròn 75 năm ngày Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức ra đời. Từ 12 quốc gia sáng lập ban đầu, NATO đã chứng kiến số lượng thành viên tăng gần gấp 3 lần, lên 32 nước.
Ngày 4/4/1949, 12 quốc gia sáng lập đã ký hiệp ước Liên minh Đại Tây Dương nhằm tạo mặt trận chung chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên bang Xô-viết giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh. Thế giới đã thay đổi, song sau 75 năm, dưới con mắt của NATO, Nga vẫn bị coi là mối đe dọa chính và tổ chức này vẫn đang nỗ lực chứng minh là một liên minh lâu đời nhất và hiệu quả nhất trong lịch sử.
Phát biểu nhân dịp này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenbberg một lần nữa nhấn mạnh “nguyên tắc phòng thủ tập thể” được nêu trong Điều 5 của Hiến chương NATO, gọi đây là “điều khoản đoàn kết” và là một “cam kết thiêng liêng”:
“Điều khiến NATO trở thành liên minh thành công nhất trong lịch sử chính là sự đoàn kết và sự thích nghi. Chúng ta có thể thay đổi khi thế giới thay đổi. Vì vậy chúng ta cần chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới, nơi chúng ta một lần nữa sẽ ăn mừng, nhưng cũng sẽ chứng tỏ khả năng của chúng ta trong việc đưa ra những quyết định cần thiết để thể hiện sự đoàn kết và đảm bảo rằng chúng ta luôn sát cánh cùng nhau. Tôi không thể nói chính xác cuộc khủng hoảng tiếp theo hay cuộc xung đột tiếp theo sẽ như thế nào. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, bất kể cuộc khủng hoảng tiếp theo diễn ra như thế nào, chúng ta vẫn sẽ an toàn miễn là đi cùng nhau trong NATO”.
Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, đã đến lúc ngừng thổi phòng mối đe dọa từ phía Đông, đồng thời chỉ trích NATO đang quay lại với “tư tưởng Chiến tranh Lạnh”. Về một mặt nào đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã giúp NATO “bừng tỉnh” sau thời gian “chết não”. Tuy nhiên chất keo gắn kết giữa các nước thành viên đang ngày một trở nên lỏng lẻo.
Trong khi 19 trên tổng số 32 thành viên liên minh đang trên đà đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, Mỹ vẫn tiếp tục tin rằng việc chia sẻ gánh nặng trong liên minh là không bình đẳng.
Theo Viện nghiên cứu hoà bình Frankfurt, so với năm 1949, điểm khác biệt lớn nhất là sự ngờ vực ngày càng tăng đối với quốc gia dẫn đầu NATO là Mỹ. Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng không còn quá xa vời, buộc châu Âu phải suy tính kỹ lưỡng về an ninh của mình trong tương lai. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu đã đề cập đến khả năng châu Âu phải đi một mình mà không có Mỹ.
Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock nhấn mạnh: "Trong thời điểm khó khăn do cuộc xung đột tại Ukraine gây ra, điều quan trọng đối với chúng ta không chỉ là kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, mà còn phải đầu tư vào an ninh của chính mình để bảo vệ tự do và dân chủ của chúng ta. Đối với chúng tôi, những người châu Âu, điều này trước hết có nghĩa là chúng tôi củng cố trụ cột châu Âu trong liên minh xuyên Đại Tây Dương này. Đức đang cung cấp 2,1% tổng sản phẩm quốc nội cho mục đích này trong năm nay”.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã phá vỡ mọi giả định về an ninh châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Sự gia nhập của các quốc gia trung lập trước đây như Phần Lan và Thụy Điển, phần nào phản ánh một thế giới ngày càng biến động và khó lường, buộc NATO phải thích nghi nhằm giảm thiểu những bất đồng nội bộ. Thời điểm kỷ niệm 75 năm thành lập cũng là thời điểm then chốt để các đồng minh đoàn kết lại với nhau và chứng minh với người dân, các đối tác quốc tế và các đối thủ chiến lược rằng NATO vẫn là “người bảo vệ” không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng.