Afghanistan: Hòa bình và phát triển vẫn còn xa vời
VOV.VN - Hội nghị quốc tế kêu gọi tài trợ tái thiết Afghanistan kéo dài 2 ngày tại thủ đô Brussels của Bỉ vừa kết thúc.
Đại diện khoảng 70 nước trên thế giới, như Mỹ, Nga, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ, đã tham dự hội nghị lần này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh tại Afghanistan đang ngày càng xấu đi và triển vọng về sự khởi đầu mới cho các cuộc đàm phán hòa bình chấm dứt gần 4 thập kỷ xung đột tại nước này tiếp tục bị lu mờ và bị phủ bóng đen bởi làn sóng bạo lực do Taliban tiến hành.
Câu hỏi đặt ra là số tiền mà quốc tế cam kết tài trợ cho Afghanistan liệu có mang lại thịnh vượng và an ninh bền vững cho quốc gia này?
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. (Ảnh AP).
13,6 tỷ Euro tài trợ
Kết thúc Hội nghị các nhà tài trợ cho Afghanistan lần này ở Brussels, số tiền mà cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ cho quốc gia Nam Á này là 13,6 tỷ Euro, trong giai đoạn từ 2017-2020.
Con số này được xem là vượt qua dự kiến ban đầu là 12 tỷ Euro và gần tương đương với con số mà các nước tài trợ cho Afghanistan tại Hội nghị lần trước, năm 2012 tại Tokyo- Nhật Bản là 14,3 tỷ Euro.
Cần phải nhắc lại rằng bản thân các con số này không chỉ mang ý nghĩa về mặt số lượng mà còn thể hiện ý chí chính trị của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Afghanistan, cụ thể là theo tính toán thì càng về sau này, con số này sẽ càng phải giảm đi bởi như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phân tích, sự giảm đi này của số tiền tài trợ sẽ phản ánh sự tự chủ ngày càng gia tăng của Afghanistan sau 15 năm lật đổ chế độ Taliban.
Hòa bình và phát triển vẫn còn xa vời ở Afghanistan. (Ảnh: AFP). |
Chính vì thế, việc số tiền cam kết tài trợ cho Afghanistan lần này không giảm đi là mấy so với cách đây 4 năm cũng cho thấy một thực tế là sự độc lập, tự chủ của chính quyền Afghanistan trong việc quản trị đất nước này vẫn còn rất nhiều khó khăn và vẫn cần được cộng đồng quốc tế trợ giúp rất nhiều, không chỉ về kỹ năng quản trị mà còn cả về mặt tài chính.
Afghanistan vẫn chưa thể đứng vững một mình được mà vẫn cần phải được quốc tế trợ giúp về mọi mặt, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2024, được xác định là giai đoạn chuyển đổi của nền chính trị nước này, sau giai đoạn thiết lập sự ổn định về an ninh trong hơn 1 thập kỷ qua.
Afghanistan còn đối mặt nhiều thách thức
Việc quốc tế vẫn cam kết tài trợ lớn cho Afghanistan trong khi đúng ra cần giảm dần số tiền này cho thấy là chính phủ Afghanistan vẫn còn đối mặt với vô vàn thách thức lớn trước mắt trong việc điều hành đất nước. Điều quan trọng nhất với Afghanistan bây giờ vẫn là an ninh rồi sau đó mới có thể bàn đến phát triển.
Đã 15 năm kể từ ngày chế độ của Taliban bị lật đổ nhưng tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn chưa từ bỏ cuộc chiến khủng bố nhằm gây bất ổn tại quốc gia này. Tuy tình trạng bạo lực đã giảm bớt nhưng nguy cơ bạo loạn, mất an ninh ở Afghanistan vẫn rất nghiêm trọng. Các cuộc chiến với Taliban vẫn tiếp diễn ở miền Bắc Afghanistan trong khi thủ đô Kabul vẫn liên tục bị khủng bố.
Vì thế, số tiền mà quốc tế trợ giúp Afghanistan vẫn sẽ được dành trước hết cho việc duy trì an ninh, đối phó với Taliban để buộc lực lượng này chấp nhận ký các thỏa thuận hòa bình danh dự, như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Kerry.
Hơn một thập kỷ qua Afghanistan đã là “vũng lầy” của thế giới nên không thể trông đợi quốc gia này sớm ổn định và phát triển mà chỉ có thể mong rằng số tiền mà cộng đồng quốc tế trợ giúp có thể giúp chính quyền ở Kabul đứng vững và có đủ thực lực để làm suy yếu Taliban.
Còn xa vời một thỏa thuận hòa bình nhiều bên
Trước hội nghị, có thông tin rằng châu Âu tìm cách kết nối Trung Quốc, Iran, Nga, Mỹ, Pakistan và Ấn Độ để có thể thúc đẩy một nỗ lực phối hợp hướng tới hòa bình đầu tiên tại Afghanistan kể từ năm 2013.
Tuy nhiên, thực tế, một thỏa thuận hòa bình vẫn là điều còn rất xa vời. Tuy nhiên, Hội nghị lần này ghi nhận sự tham gia tích cực hơn của các đối tác quan trọng đối với an ninh khu vực Nam Á như Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong bản tuyên bố 37 điều sau Hội nghị, chủ nhà EU cũng đã ghi nhận điều này và cho rằng sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ hay kể cả Pakistan sẽ mang lại các hiệu quả tích cực. Nhưng cho đến nay thì những điều này mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố chứ chưa có bất cứ hành động cụ thể nào.
Ngay trong việc đóng góp tài trợ cho Afghanistan trong 4 năm tới thì Mỹ và EU vẫn đóng góp nhiều nhất, với mỗi bên khoảng 1/3 khoản cam kết tài trợ. Trong các nước còn lại thì Nhật Bản là nước đóng góp hàng đầu chứ chưa phải Trung Quốc hay Ấn Độ.
Vì thế, để thiết lập một lộ trình dài hơi cho hòa bình ở Afghanistan mà có sự tham gia tích cực hơn của Trung Quốc hay Ấn Độ… thì vẫn cần thêm nhiều thời gian . Hội nghị ở Brussels lần này chỉ là bước đi đầu tiên./.