Afghanistan - Taliban: Khó hy vọng vào đàm phán hòa bình?
VOV.VN - Tuyên bố của Taliban làm lu mờ dấu hiệu tích cực về tiến trình hòa bình vừa mới manh nha.
Lực lượng Taliban tại Afghanistan vừa tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan dự kiến vào tháng 4/2014 và sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại quân đội nước ngoài cho tới khi những lực lượng này rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.
Tuyên bố trên đã làm lu mờ những dấu hiệu tích cực về tiến trình hòa bình tại Afganistan khi mới ngày trước đó, đã có thông tin về việc chính phủ Afghanistan đang tiến hành đàm phán với Taliban.
Taliban tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại quân đội nước ngoài chừng nào lực lượng này chưa rút khỏi Afghanistan (Ảnh: Press TV) |
Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan dự kiến tổ chức vào ngày 5/4/2014 được xem là một dấu mốc quan trọng đối với sự ổn định của đất nước này sau khi lực lượng liên quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi Afghanistan.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử độc lập của Afghanistan cũng đã từng tuyên bố sẵn sàng mở đường cho phe đối lập vũ trang như Taliban hoặc Hezb-i-Islami (nhóm từng cùng Taliban phát động cuộc nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai) tham gia cuộc bầu cử tổng thống trên cả hai cương vị cử tri hoặc ứng cử viên mà không có sự phân biệt nào.
Với tuyên bố này cùng với các cuộc đàm phán của nhiều bên với Taliban, cộng đồng quốc tế và chính phủ Afghanistan mong muốn đưa Taliban đến với cuộc bầu cử tổng thống như một động thái chấp nhận chính phủ hiện thời của Taliban – điều mà từ trước tới nay Taliban vẫn luôn bác bỏ.
Đặc biệt, với thông tin vừa đưa ra trước đó về việc Taliban và chính phủ Afghanistan bắt đầu bí mật tiến hành các cuộc đàm phán ở Dubai, dư luận càng có lý do hy vọng vào sự chấp nhận của Taliban đối với cuộc bầu cử Tổng thống.
Tuy nhiên, mọi hy vọng của cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng bị Talbiban “dội một gáo nước lạnh” khi tuyên bố không tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống năm sau, coi đây là một hoạt động “không có giá trị”, đồng thời tiếp tục khẳng định cuộc chiến chống lại quân đội nước ngoài cho đến khi lực lượng này hoàn toàn rút khỏi Taliban.
Điều này cho thấy, bất chấp mọi chương trình đàm phán, kể cả với Mỹ trước đây, hay là với chính phủ Afghanistan hiện nay, Taliban vẫn chưa hề thay đổi mục tiêu của mình, đó là quân đội nước ngoài phải rút hoàn toàn khỏi Afghanistan và xây dựng chính quyền bao gồm tất cả mọi thành phần dựa trên những nguyên tắc Hồi giáo. Đây cũng chính là điểm mâu thuẫn với quan điểm của chính phủ của ông Karzai khi không công nhận Taliban như một lực lượng chính trị, không chấp nhận sự có mặt của Taliban trong chính phủ, dẫn đến việc mọi cuộc đàm phán với Taliban dù là chưa chính thức lúc nào cũng trong tình trạng “dền dứ” – lúc tuyên bố “có”, lúc tuyên bố “không”, và thường lâm vào thế bế tắc ngay từ đầu do các bên đều cố bảo về lợi ích của mình.
Không những vậy, tiến trình đàm phán hòa bình vốn đang bị đình trệ hiện nay càng trở nên khó khăn hơn bởi những tranh cãi liên quan đến việc Talilban cho mở văn phòng chính thức ở Qatar hồi tháng 6 vừa qua.
Những động thái từ phía Taliban khiến cho cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về tương lai của Afghanistan sau năm 2014. Ngay cả cuộc bầu cử được coi là dấu mốc quan trọng cho sự ổn định của Afghanistan vào năm 2014 cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu nhớ lại cuộc bầu cử trước đó vào năm 2009, Taliban cũng không tham gia và thực hiện các vụ tấn công làm hơn 20 người thiệt mạng ngay trong ngày bầu cử.
Về tiến trình hòa bình ở Afghanistan, ai cũng hiểu không có cách nào khác là phải đàm phán thành công với Taliban, nhưng với những gì đang diễn ra, triển vọng cho các cuộc đàm phán là quá mờ mịt.
Trong khi đó, lực lượng Taliban được đánh giá là đang lớn mạnh trở lại với nền tảng “cắm rễ sâu rộng” trong các bộ tộc ở Afganistan, bất chấp 10 năm bom đạn vừa qua.
Chính vì vậy, không phải không có lý do khi nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, sau khi lực lượng NATO rút quân khỏi Afghanistan, đất nước này sẽ lại rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu, và Taliban có thể trở lại với mức độ nguy hiểm hơn nhiều./.