Ai Cập: chia rẽ chính trị sâu sắc có thể dẫn tới thảm kịch
VOV.VN - Chính quyền lâm thời Ai Cập đã tiến hành các biện pháp “khá mạnh tay” nhằm khôi phục trật tự đất nước.
Bất chấp những cảnh báo của quân đội Ai Cập kêu gọi người dân chấm dứt biểu tình, các cuộc biểu tình bạo lực vẫn tiếp tục lan rộng tại Ai Cập gây nhiều thương vong.
Trước nguy cơ bất ổn an ninh gia tăng, chính quyền lâm thời Ai Cập đã tiến hành các biện pháp được cho là khá mạnh tay nhằm khôi phục trật tự đất nước. Trong khi đó, căng thẳng chính trị tại quốc gia Trung Đông tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Căng thẳng chính trị tại quốc gia Trung Đông tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lo ngại (ảnh: Yahoo News) |
Theo thống kê chính thức, bạo lực đẫm máu bùng phát tại Ai Cập trong dịp cuối tuần đã làm ít nhất 80 người thiệt mạng và 800 người bị thương, chủ yếu tại thủ đô Cairo và thành phố lớn thứ 2 Ai Cập là Alexandria.
Nguy cơ bất ổn tiếp tục gia tăng khi phong trào Anh em Hồi giáo và những người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi cho biết, sẽ tiếp tục tuần hành tại các trụ sở của cơ quan tình báo quân đội Ai Cập, bất chấp các cảnh báo của quân đội.
Nhằm dẹp yên các cuộc biểu tình bạo lực, Tổng thống lâm thời của Ai Cập Atly Mansour đã trao cho Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi quyền cho phép quân đội nước này tiến hành bắt giữ dân thường sau khi xảy ra tình trạng bạo lực hồi cuối tuần qua giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Morsi.
Theo các quan chức chính phủ, quyết định trên có thể là sự mở đầu cho cho một cuộc trấn áp quy mô lớn nhằm vào những người ủng hộ ông Morsi hay các phiến quân đang tăng cường tấn công nhằm vào lực lượng an ninh của Ai Cập trên Bán đảo Sinai.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập cũng cảnh báo sự chia rẽ chính trị sâu sắc có thể dẫn tới những thảm kịch tồi tệ và cho rằng phong trào Anh em Hồi giáo đã kích động bạo lực, đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Ai Cập cũng như cản trở các nỗ lực vực dậy nền kinh tế.
Ngoại trưởng Ai Cập bác bỏ các cáo buộc cho rằng quân đội Ai Cập đang nắm quá nhiều quyền lực trong tay và khẳng định quân đội đóng vai trò quan trọng trong tình hình hiện nay nhằm bảo vệ người dân khỏi bạo lực: “Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, Tướng Abdel-Fatah al-Sisi cách đây vài ngày đã nói về những mối lo ngại ngày càng gia tăng về tình hình an ninh. Đó là lý do tại sao quân đội cần phải đóng vai trò trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân và đất nước. Chúng ta đang trải qua một tình hình đặc biệt, song chúng ta vẫn có một Tổng thống và một phó Tổng thống lâm thời, cũng như một chính phủ dân sự lâm thời”.
Căng thẳng chính trị tại Ai Cập một lần nữa leo thang đang khiến dư luận quốc tế chú ý. Hôm 28/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ tình hình bạo lực gia tăng làm nhiều người thiệt mạng tại Ai Cập và kêu gọi chính quyền lâm thời nước này xúc tiến một tiến trình chính trị toàn diện để giải quyết bất ổn một cách hòa bình.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton đã tới thủ đô Cairo để tiến hành các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo lâm thời Ai Cập về những vụ đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình với cảnh sát. Bà Ashton cho biết, sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển giao đầy đủ, toàn diện, với sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, trong đó bao gồm cả phong trào Anh em Hồi giáo.
Ngoại trưởng Ai Cập trước đó cũng cho biết phong trào Anh em Hồi giáo vẫn có thể trở thành một phần trong tiến trình chính trị tại nước này./.