Ai Cập “nóng” trở lại sau bản án dành cho cựu Tổng thống Mubarak

Hàng nghìn người dân đã đổ ra các đường phố, một số để bày tỏ sự vui mừng, số khác thì phản đối vì cho rằng bản án còn quá nhẹ và yêu cầu phải xử lại.

Sau nhiều tháng trì hoãn, phiên toà xét xử cựu Tổng thống Mubarak với sự mong đợi của hàng triệu người dân Ai Cập đã được nối lại hôm 2/6. Ngay sau khi bản án được tuyên bố, hàng nghìn người dân đã đổ ra các đường phố tại thủ đô Cairo, một số để bày tỏ sự vui mừng, số khác thì phản đối vì cho rằng bản án còn quá nhẹ và yêu cầu phải xử lại.

Với cáo buộc liên quan tới vụ sát hại khoảng 850 người biểu tình trong đợt bạo động chính trị hồi đầu năm ngoái, Toà án hình sự Cairo đã tuyên án tù chung thân đối với cựu tổng thống Mubarak và cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ el Adly, đồng thời tuyên bố vô tội đối với 6 cựu quan chức cấp cao cảnh sát do không đủ bằng chứng kết tội. Ông Mubarak và hai con trai được tuyên bố trắng án với cáo buộc tham nhũng.

Ngay sau khi bản án đối với ông Mubarak được tuyên bố, hàng nghìn người đã reo hò vui mừng, nhưng ngay sau đó đụng độ đã xảy ra bên ngoài tòa án giữa những người ủng hộ và phản đối ông Mubarak. Sau đó các cuộc biểu tình nổ ra tại thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác trên cả nước, khi toà án tha bổng các quan chức cảnh sát và hai người con của ông Mubarak. Bộ Y tế Ai Cập cho biết đã có hơn 100 người biểu tình bị thương trên cả nước.

Người biểu tình bày tỏ sự phản đối với các bản án bên ngoài tòa án tại thành phố Cairo (Ảnh: AP)

Tới nửa đêm, khoảng hơn 20.000 người tập trung tại Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo, kêu gọi công lý đối với những người đã thiệt mạng và án tử hình đối với ông Mubarak. Người biểu tình cho rằng, bản án đối với các quan chức cảnh sát là bằng chứng của sự ảnh hưởng của chế độ cũ và sợ rằng ông Mubarak sẽ được tha sau khi kháng án.

Người biểu tình vẫn tiếp tục tập trung tại Quảng trường Tahrir trong suốt ngày 3/6, kêu gọi những người khác diễu hành và tập trung phản đối bản án trong những ngày tới. Nhiều nhà hoạt động chính trị và xã hội nói, họ sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động biểu tình và cho biết với tình hình hiện nay, nhiều khả năng vòng 2 của cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống sắp tới có thể sẽ bị ảnh hưởng hoặc bị hoãn lại.

Nhiều tổ chức và phong trào chính trị tại Ai Cập cũng đã thông báo ý định tham gia biểu tình, như Tổ chức anh em Hồi giáo, Phong trào thanh niên mùng 6 tháng 4 và Liên minh thanh niên cách mạng.

Ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống và thành viên của Tổ chức anh em Hồi giáo, tổ chức chính trị lớn nhất tại Ai Cập, Mohamed Mursi, đã lên án phiên xử và gọi đó là “một trò hề” và kêu gọi biểu tình phản đối bản án.

Trong khi đó, Mohamed Shafiq, cựu Thủ tướng thời tổng thống Mubarak, đồng thời là ứng cử viên sẽ tham gia vòng bầu cử trực tiếp với ông Mursi, kêu gọi người dân Ai Cập nên chấp nhận bản án và coi đó là một “bài học lịch sử” đối với các tổng thống trong tương lai.  

Ông Shafiq dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn trong vòng bầu cử tới vì với việc bản án bị phản đối như vậy, phong trào không ủng hộ các quan chức chế độ cũ đã sôi dộng trở lại và bằng chứng là hàng chục người đã tấn công và phá hoại một số văn phòng vận động tranh cử của ông này ở một số địa phương, trong mấy ngày qua.

Chỉ còn gần 2 tuần nữa là diễn ra vòng 2 bầu cử tổng thống tại Ai Cập, nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay, tình hình tại đất nước Bắc Phi này sẽ còn gặp nhiều khó khăn, bất ổn và rất khó dự báo, ngay cả khi một tổng thống mới lên nắm quyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên