Đại dịch Covid-19 càn quét thế giới trong ngày lễ Phục sinh
VOV.VN - Lễ Phục sinh năm nay, người dân trên khắp thế giới ở nhà, giãn cách xã hội thay vì tới thăm nhau hay đi chơi như thường lệ.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục càn quét và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người khắp thế giới trong ngày Lễ Phục sinh của người Kitô giáo, gây đau thương nhiều nhất tại Mỹ và Anh. Tới nay, đại dịch đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1 triệu 850.000 người nhiễm bệnh và hơn 114.000 người tử vong.
Các nhân viên tế đưa xác bệnh nhân Covid-19 khỏi Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, New York City. (Ảnh: Reuters). |
Lễ Phục sinh năm nay, người dân trên khắp thế giới ở nhà, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, thay vì tới thăm nhau hay đi chơi như thường lệ. Trong bài phát biểu nhân dịp lễ năm nay, Đức giáo hoàng Francis tiếp tục đưa ra lời kêu gọi cả thế giới nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng phải đoàn kết để ứng phó đại dịch. Theo Đức Giáo hoàng, đây là thời điểm cấp thiết hơn bao giờ hết và thế giới cần đoàn kết ứng phó đại dịch, các chính trị gia và chính phủ các nước cần phối hợp vì lợi ích của người dân:
“Điều tôi nghĩ trước tiên là về nhiều người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19- đó là những người tử vong và người thân của họ“ở lại”. Nhiều trường hợp, họ ra đi “không 1 lời từ biệt”. Đối với nhiều người, đây là một lễ Phục sinh cô đơn giữa nỗi buồn và khó khăn mà đại dịch đang gây ra, từ đau khổ về thể xác đến nỗi đau về kinh tế. Chúng ta nên biết ơn những người làm những công việc thiết yếu trong đại dịch như y bác sĩ, những người thực thi pháp luật và lực lượng quân đội ở nhiều quốc gia. Họ đã làm việc để người dân bớt đi đau khổ. Đây không phải là thời điểm của sự thờ ơ, bởi vì cả thế giới đang đau khổ và cần phải đoàn kết để đối mặt với đại dịch”, Đức giáo hoàng Francis nói.
Hiện đại dịch đã càn quét 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, song gây đau thương nhiều nhất cho nước Mỹ khi cường quốc số 1 thế giới dẫn đầu về tổng số ca tử vong (hơn 22.000 trường hợp), lẫn số người mắc bệnh (hơn 560.000). Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 1.425 ca tử vong - Đây là ngày thứ tư liên tiếp Mỹ phải hứng chịu số ca thiệt mạng vì Covid-19 ở mức trên 1.000.
Chỉ riêng bang New York hôm qua đã có thêm 758 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng danh sách tổng số lên hơn 9.000 – chiếm gần 48% số người thiệt mạng trên toàn nước Mỹ. Bất chấp những tin tức “không tốt lành” về dịch bệnh, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm qua (12/4) đã gửi đi thông điệp về niềm hy vọng, rằng “mùa đông lạnh giá cuối cùng sẽ nhường chỗ cho mùa xuân” hay “Chúng tôi sẽ trở lại với cuộc sống và chúng tôi sẽ tái sinh”:
“Người dân muốn cuộc sống trở lại, muốn ra khỏi nhà. Chúng tôi thì muốn nền kinh tế hoạt động. Mọi người cần một mức lương. Cuộc sống phải hoạt động. Tất nhiên, Chúng tôi muốn mở cửa trở lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần phải xem xét vấn đề một cách thông minh, để đưa ra giải pháp phù hợp và an toàn. Không ai muốn chọn lựa giữa chính sách y tế công cộng với chiến lược kinh tế. Với Tư cách là thống đốc bang, tôi sẽ không chọn 1 trong 2”.
Trong khi đó, số người tử vong vì Covid-19 ở Anh đã chính thức vượt con số 10.000 khi giới chức thông báo thêm 737 ca tử vong trong 24 giờ qua. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã phải thốt lên đó là một “ngày đen tối” đối với Anh khi nước này gia nhập danh sách các nước mất hơn 10.000 công dân vì virus SARS CoV-2. Tuy nhiên, một tin “tích cực” dành cho Anh hôm qua là việc Thủ tướng Boris Johnson đã được ra viện sau 1 thời gian điều trị Covid-19. Dẫu vậy, văn phòng của Nhà lãnh đạo Anh xác nhận, ông vẫn đang trong quá trình hồi phục và chưa trở lại làm việc ngay.
Hồ sơ đáng sợ về Covid-19: Những ai có nguy cơ tử vong cao?
Khác với Mỹ và Anh, mức tử vong ở Italy – từng là tâm dịch của châu Âu hôm qua (12/4) chứng kiến mức thấp kỷ lục kể từ 19/3, khi quốc gia Địa Trung Hải này chỉ ghi nhận thêm 431 ca tử vong.
Dù tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm trong những ngày gần đây nhưng Italia vẫn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số người tử vong đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Cũng giống như Italy, tại các nước Tây Ban Nha, Pháp, Đức, tình hình dịch bệnh cũng có dấu hiệu bắt đầu được cải thiện, song chính phủ các quốc gia này vẫn có kế hoạch kéo dài lệnh phong tỏa trong thời gian tới.
Đây cũng là điều mà Venezuela và một số quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia, Iraq và Jordan hôm qua (12/4) buộc phải làm khi các quốc gia này tiếp tục chứng kiến sự chuyển biến “phức tạp” của dịch bệnh với số lượng ca nhiễm mới và tử vong tăng.
Tại Nga, Phó Thủ tướng phụ trách phòng chống Covid-19, bà Tatyana Golikova hôm qua (12/4) đã tuyên bố nước này có thể hoàn toàn dỡ bỏ các biện pháp cách ly vào đầu Hè, với điệu kiện các công dân thực hiện nghiêm túc tất cả các khuyến nghị của chính quyền và bác sĩ về chế độ tự cách ly và giãn cách xã hội. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga đã có hơn 15.000 người nhiễm Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 2.000 ca mắc mới trong ngày hôm qua – chủ yếu tập trung ở thủ đô Moscow.
Trong khi đó ở châu Á, Trung Quốc đại lục hôm qua lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng ở mức 3 con số (108 trường hợp) sau 39 ngày (kể từ ngày 5/3). Tuy nhiên, có tới 98 ca nhiễm Covid-19 mới có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc./.