Đại dịch Covid-19: Tình hình ở Mỹ và khu vực Mỹ Latin phức tạp trở lại
VOV.VN - Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca mắc trong ngày cao nhất, buộc nhiều bang tại nước này phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại.
Tính đến gần 10h sáng 28/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 501.000 ca tử vong; hơn 5,4 triệu ca phục hồi và gần 58.000 ca bệnh nặng. Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca mắc trong ngày cao nhất, buộc nhiều bang tại nước này phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại.
Brazil đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong do CVID-19 |
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận hơn 43.000 ca mắc Covid-19 và 512 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên gần 2,6 triệu, chiếm hơn 1/5 tổng số ca mắc toàn cầu.
Theo thống kê của CNN, tính đến ngày 27/6, tổng cộng có 12 bang của Mỹ đã phải quyết định tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại. Mới nhất, hôm qua, Thống đốc bang Washington thông báo cơ quan y tế đã quyết định tạm ngừng việc chuyển sang giai đoạn 4 – là mở cửa hoàn toàn nền kinh tế tại các hạt của bang này, do số ca mắc tăng lên khắp toàn bang.
Trong khi, các bang Florida, Georgia, South Carolina và Nevada ngày 27/6 đều ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Nhằm làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh, Thống đốc bang Florida đã áp dụng trở lại một vài hạn chế, bao gồm yêu cầu đóng cửa các quán rượu.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Tổng thống Mỹ Mai Pence thừa nhận: “Đến nay, tại 34 bang trên cả nước, tình hình dịch bệnh đã ổn định, có ít trường hợp mắc mới, hoặc số ca mắc không gia tăng, hoặc cả 2. Tuy nhiên, vẫn còn 16 bang đang chứng kiến tình hình dịch bệnh phức tạp với tỷ lệ tăng lên”.
Trong khi, Brazil tiếp tục đứng đầu Mỹ Latin về số ca bệnh khi ghi nhận hơn 38.000 ca nhiễm mới và 1.109 ca tử vong. Peru và Chile tiếp tục đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 khu vực về số ca mắc Covid-19.
Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc Covid-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 70.767 người, trong đó có 1.832 ca tử vong. Khu vực Mỹ Latin hiện là điểm “nóng” toàn cầu mới về đại dịch Covid-19, với số ca tử vong vượt 100.000 người và các ca nhễm bệnh đã tăng lên hơn 2 triệu người.
Tại châu Âu và châu Á, Nga và Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc bệnh mới ở mức cao. Đây cũng là 2 nước nằm trong số 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 với tổng số ca mắc bệnh tính đến thời điểm hiện tại ở Nga là 600 nghìn và ở Ấn Độ là 500.000.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 5 thế giới, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây cảnh báo, chính sự lơ là, chủ quan của người dân tại nhiều nước trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như sự coi thường của giới trẻ là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng trở lại này.
“Bạn có thể nghĩ rằng bạn sẽ không bị mắc Covid-19 và không thể bị virus SARS-CoV-2 đánh bại. Rất có thể đó là sự thật, đặc biệt nếu bạn là một người trẻ tuổi. Nhưng virus SARS-CoV-2 mà bạn mang theo có thể giết chết những người bên cạnh bạn, đặc biệt là người già. Nó vẫn rất nguy hiểm. Virus vẫn còn ở đó và để chiến thắng, để đánh bại nó, chúng ta phải cảnh giác và làm điều này một cách đều đặn”, Thủ tướng Johnson nói.
Đây cũng là cảnh báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel đối với người dân Đức. Theo bà, người dân đã lãng quên mối nguy hiểm một cách dễ dàng bởi vì Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng một cách hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân đã được an toàn và mối nguy hiểm đã được đẩy lùi./.