Ấn Độ được công nhận loại trừ bệnh đau mắt hột
VOV.VN - Ấn Độ đã loại trừ bệnh đau mắt hột khỏi danh sách các vấn đề sức khỏe cộng đồng, trở thành quốc gia thứ ba tại khu vực Đông và Nam Á đạt được cột mốc này. Thành tựu này của quốc gia Nam Á đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận.
Chứng nhận về việc loại bỏ bệnh đau mắt hột được WHO trao cho đại diện Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ tại thủ đô New Delhi ngày 8/10.
Bệnh đau mắt hột là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, ảnh hưởng đến mắt. Bệnh do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây nên. Bệnh có khả năng lây lan qua tiếp xúc với mắt, mí mắt, dịch tiết mũi hoặc họng của người bị nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây mù vĩnh viễn.
Trong thông cáo chính thức, WHO cho biết, đã coi bệnh đau mắt hột là một căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Theo ước tính của tổ chức này, có 150 triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh đau mắt hột và 6 triệu người trong số họ bị mù hoặc có nguy cơ bị biến chứng tàn tật thị giác. Bệnh đau mắt hột được tìm thấy ở những cộng đồng nghèo khó sống trong điều kiện môi trường kém.
Đau mắt hột từng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Ấn Độ này trong giai đoạn 1950- 1960. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai Chương trình Kiểm soát Đau mắt hột Quốc gia vào năm 1963 và sau đó, các nỗ lực kiểm soát đau mắt hột đã được đưa vào Chương trình Kiểm soát Mù lòa Quốc gia (NPCB) của Ấn Độ.
Năm 1971, tỷ lệ mù lòa do đau mắt hột ở Ấn Độ là 5%. Và ngày nay, nhờ các biện pháp can thiệp theo Chương trình Kiểm soát Mù lòa và Suy giảm thị lực Quốc gia (NPCBVI), tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 1%.
Chiến lược WHO SAFE đã được triển khai trên toàn quốc, trong đó SAFE là viết tắt của việc áp dụng phẫu thuật, thuốc kháng sinh, vệ sinh răng miệng, vệ sinh môi trường trong phòng ngừa và điều trị. Kết quả là, vào năm 2017, Ấn Độ đã được tuyên bố thoát khỏi bệnh đau mắt hột truyền nhiễm. Tuy nhiên, hoạt động giám sát các trường hợp đau mắt hột vẫn tiếp tục diễn ra tại tất cả các quận của Ấn Độ từ năm 2019 cho đến năm 2024.