Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng
Sáng 22/10, từ sân bay vũ trụ Sriharikota ở vùng Nellore thuộc bang Andha Pradesh, Ấn Độ đã phóng thành công tàu vũ trụ không người lái thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của nước này mang tên Chandrayaan-1.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lớn của chương trình vũ trụ Ấn Độ trong bối cảnh cuộc đua chinh phục không gian ở châu Á đang phát triển nhanh chóng. Tàu Chandrayaan-1 nặng 1.304 kg, mang theo 11 thiết bị nghiên cứu khoa học, được phóng vào 6 giờ 22' bằng tên lửa đẩy PSLV-C11 do Ấn Độ tự chế tạo.
Dự kiến vào ngày 8/11 tới, tàu sẽ tiến gần tới cực Bắc của Mặt Trăng ở khoảng cách an toàn vài trăm km. Sau đó, Chandrayaan-1 sẽ bay vào quỹ đạo Mặt Trăng và duy trì ở độ cao cách bề mặt "chị Hằng" khoảng 100 km. Lúc này khối lượng của tàu giảm xuống còn 590 kg do đã tiêu hao nhiên liệu trong quá trình bay.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Satish Dawan-SHAR của Ấn Độ, tàu Chandrayaan-1 dự kiến sẽ hoạt động trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng khoảng 2 năm để thu thập và truyền về trung tâm chỉ huy tại Trái Đất các thông tin phục vụ việc nghiên cứu hành tinh này, đồng thời thực hiện các chỉ thị từ trung tâm. Chi phí cho sứ mệnh của tàu Chandrayaan-1 vào khoảng 80 triệu USD.
Trong số các thiết bị nghiên cứu khoa học trên tàu Chandrayaan-1 có 5 thiết bị do Ấn Độ chế tạo, 3 thiết bị của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và 1 của Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria./.