Ấn Độ sẽ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân

Nếu thành công, tên lửa Agni-5 sẽ đưa toàn bộ khu vực châu Á, 70% khu vực châu Âu và các khu vực khác vào tầm tấn công của nó

Hãng tin Press Trust of India (PTI) của Ấn Độ ngày 16/4 cho biết, nước này sẽ thử tên lửa Agni-5 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn liên lục địa có thể vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ Trung Quốc. Theo lời các nhà khoa học đang tham gia dự án, vụ phóng thử dự kiến sẽ diễn ra sáng sớm ngày 18/4 từ bãi thử ở Đảo Wheeler ngoài khơi bờ biển Odisha. Đây là một bước thử nghiệm trong giai đoạn cuối nên các thông số của loại tên lửa này được kiểm tra kỹ.

Tên lửa Agni-5 sử dụng loại nhiên liệu đặc, có ba tầng với tầm bắn 5.000 km, được trang bị con quay laser hình vòng tiên tiến, động cơ tên lửa tích hợp và hệ thống dẫn đường vệ tinh có độ chính xác cao. Hiện giờ, chỉ 4 nước gồm Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Nga có khả năng phóng được loại tên lửa mang đầu đạt hạt nhân liên lục địa.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-5 của Ấn Độ

Nếu được phóng thành công, tên lửa Agni-5 sẽ đưa toàn bộ khu vực châu Á, 70% khu vực châu Âu và các khu vực khác vào tầm tấn công của nó.

Trước đó, quân đội Ấn Độ đã phát triển ba loại tên lửa Agni với tầm bắn ngắn hơn, Agni-1, tầm bắn 700km và Agni-2, 2.000km và Agni-3, 3.000km. Tháng 11/2011, lần đầu tiên Ấn Độ thử thành công tên lửa Agni-4, với tầm bắn như Agni-3, nhưng có độ chính xác lớn hơn và công năng hiện đại hơn.

Theo PTI, các dòng tên lửa Agni được phát triển bởi các nhà khoa học ở Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Giám đốc chương trình tên lửa chiến lược của DRDO, ông Avinash Chander cho biết, Agni-5 có chiều dài 17m và nặng 50 tấn, công nghệ Agni-5 “có tính chất thay đổi cục diện” trong những lựa chọn chiến lược.

Chưa dừng lại ở việc phát triển tên lửa Agni-5, Tổ chức DRDO đang bắt tay vào việc thiết kế và phát triển một phiên bản mới Agni 6 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 10.000 km.

Giám đốc DRDO, tiến sĩ VK Saraswat cũng cho biết Ấn Độ sẽ gia nhập câu lạc bộ tên lửa hạt nhân liên lục địa một khi Agni-5 được phóng thử thành công và đưa vào ứng dụng, dự kiến trong giai đoạn 2014-2015.

Ngoài ra, DRDO hiện cũng đang phát triển loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, dự kiến hoàn tất năm 2013 và lá chắn tên lửa cho thành phố New Delhi vào năm 2014, theo lời ông Saraswat.

Giới quan sát cho rằng, những nỗ lực trên của Ấn Độ cho thấy nền công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ rõ ràng đang có những bước tiến vượt bậc, bên cạnh đó là khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ cũng tăng đáng kể.

Không chỉ tự sản xuất vũ khí, Ấn Độ còn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên