Anh - Mỹ tính sử dụng biện pháp quân sự với Iran
Vấn đề về chương trình hạt nhân của Iran đang chia cộng đồng quốc tế làm hai nửa với ý kiến trái ngược nhau.
Ngay sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chính thức công bố một bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran hôm 8/11, các nước lớn, đặc biệt là những nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có những phản ứng khác nhau về vấn đề này.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9/11, người phát ngôn Chính phủ Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực mới đối với Iran và khẳng định những bằng chứng mà IAEA đưa ra chứng xác thực nhất. Và việc Tehran đang sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.
Ông Mark Toner cho rằng, đây là một bản báo cáo thể hiện tính chất nghiêm trọng của sự việc và nó sẽ buộc Iran phải hợp tác với IAEA cũng như cộng đồng quốc tế để minh bạch chương trình hạt nhân của mình.
Cùng quan điểm với Mỹ, Anh cũng đang xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran ngay sau khi bản báo cáo của IAEA được công bố. Ngoại trưởng Anh William Hague, trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 9/11 cho biết, Anh đã đệ trình lên LHQ những biện pháp trừng phạt chưa từng có của Liên minh châu Âu đối với Iran. Đồng thời EU cũng đang thảo luận việc tăng áp lực và xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đơn phương để Iran có thể thực hiện trách nhiệm của mình.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Iran (Ảnh: AFP) |
Mỹ và Anh cũng không loại trừ sẽ sử dụng các biện pháp quân sự nếu Iran không đáp ứng các yêu cầu từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh những đồn đoán về Israel đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Iran với sự hậu thuẫn của Mỹ đang ngày càng gia tăng.
Cộng đồng quốc tế lo ngại, nếu một cuộc tấn công xảy ra, bất ổn ở khu vực này sẽ rất khó lường. Mặc dù ủng hộ việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau báo cáo của IAEA nhưng Đức vẫn từ chối xem xét các lựa chọn quân sự chống nước này.
Không đồng tình với quan điểm của Mỹ và phương Tây, Nga khẳng định, những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, đặc biệt là giải pháp quân sự sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Không giải pháp quân sự với bất kỳ vấn đề nào khác trong các mối quan hệ của thế giới hiện đại. Những gì mà chúng ta nhận được mỗi ngày ở Iraq hay Afghanistan sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn khi giải quyết các các vấn đề của Iran. Việc can thiệp quân sự chỉ dẫn đến nhiều lần trường hợp tử vong và đau khổ cho người dân”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng khẳng định, vấn đề của Iran cần phải được giải quyết bằng con đường đối thoại và hòa bình. Trung Quốc lên tiếng phản đối việc phổ biến vũ khí hạt nhân, và không chấp nhận bất kỳ quốc gia Trung Đông phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu sản xuất vũ khí hạt nhân, Iran sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Trung Quốc ủng hộ sử dụng đối thoại và hợp tác để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc Mỹ và phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran vượt ra ngoài khuôn khổ các nghị quyết của LHQ, đồng thời nhấn mạnh Iran nên thể hiện sự linh hoạt và minh bạch trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Trước những lo ngại của cộng đồng quốc tế về bản báo cáo này, Iran khẳng định nước này sẵn sàng cho đàm phán tích cực, hữu ích. Tuy nhiên, nước này cũng yêu cầu các cuộc đàm phán phải thể hiện được quan điểm bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Phản ứng trước báo cáo của IAEA, Iran cho rằng đây là một báo cáo vô căn cứ và có sự hậu thuẫn của Mỹ cũng như Israel./.