Anh, Pháp sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông đối phó Trung Quốc
VOV.VN - Tuyên bố điều tàu chiến tới Biển Đông được các Bộ trưởng Quốc phòng của Anh và Pháp đưa ra tại Hội nghị An ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Các Bộ trưởng Quốc phòng của Anh và Pháp hôm 3/6 cho biết Paris và London sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông như một phản ứng trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris và London sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông. Ảnh: EPA. |
Tuyên bố trên được các Bộ trưởng Quốc phòng của Anh và Pháp đưa ra tại Hội nghị An ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này sẽ cử một nhóm công tác hàng hải đi cùng trực thăng và tàu biển của Anh ghé thăm Singapore vào tuần tới, sau đó "tiến vào một số khu vực ở Biển Đông".
Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly dường như nhấn mạnh tàu Anh và Pháp sẽ đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép, đồng thời tưởng tượng một cuộc chạm trán xảy ra với quân đội Trung Quốc.
"Tại một thời điểm nào đó, một giọng nói nghiêm khắc qua hệ thống liên lạc yêu cầu chúng tôi phải rời khỏi vùng biển đang hoạt động. Nhưng chỉ huy của chúng tôi sau đó bình tĩnh trả lời rằng ông ấy sẽ tiếp tục đi thuyền bởi theo luật pháp quốc tế, đây là vùng biển quốc tế" – bà Parly nói về kịch bản trên.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết bằng cách thực thi hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh và bạn bè, Paris đã góp phần vào việc thiết lập trật tự dựa trên những quy tắc ở biển Đông, đặt mình vào vị trí phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp trên các đảo ở vùng biển này.
Bà Parly cho rằng cần phải mở rộng nỗ lực nói trên hơn nữa. Ngoài ra, Châu Âu đã thể hiện sự ủng hộ khi các nhà quan sát của Đức cũng có mặt trên tàu chiến Anh và Pháp tới Biển Đông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson xác nhận London sẽ điều 3 tàu chiến tới Biển Đông để phản đối ảnh hưởng "không có lợi", bảo vệ trật tự và truyền tải thông điệp rằng các nước cần phản "chơi theo luật lệ".
Đáp tại, tướng He Lei – người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La - tuyên bố Biển Đông mở cửa cho tất cả mọi người, không giới hạn tự do đi lại nhưng ngang nhiên cảnh báo Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ ai "vi phạm chủ quyền" của mình.
Cuối tuần trước, cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng hơn nếu tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đang xem xét cách tiếp cận quyết đoán hơn, có thể liên quan đến các cuộc tuần tra dài hơn, nhiều tàu hơn và giám sát chặt chẽ các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đảo nhân tạo hơn./.