Anh quyết định chấm dứt toàn bộ hạn chế chống Covid-19 từ tuần sau
VOV.VN - Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/1 tuyên bố các hạn chế chống dịch Covid-19 tại Anh sẽ chính thức được hủy bỏ từ tuần sau, dựa trên nhận định từ giới chức y tế Anh rằng làn sóng nhiễm biến thể Omicron tại Anh đã đạt đỉnh và Covid-19 đang ngày càng có xu hướng trở thành bệnh đặc hữu.
Thông tin được Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố trước các nghị sĩ Anh trong phiên trả lời chất vấn chiều ngày 19/1: từ ngày 27/1, hầu hết các hạn chế chống dịch nằm trong “phương án B” mà chính phủ Anh đang thực hiện sẽ được bãi bỏ.
Cụ thể, việc đeo khẩu trang sẽ không còn bắt buộc và việc kiểm tra giấy chứng nhận y tế đã tiêm vaccine hay xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng sẽ không còn bắt buộc phải thực hiện với những người muốn đến các địa điểm như hộp đêm hay những nơi tụ tập đông người. Riêng khuyến cáo làm việc từ xa đối với các lao động sẽ được bãi bỏ ngay lập tức từ ngày 20/01.
Giải thích cho quyết định này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường tại Anh đã đạt được thành công lớn, người dân Anh đã tuân thủ đầy đủ các quy định chống dịch trong thời gian qua và làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra tại Anh từ cuối năm 2021 đã qua đỉnh.
Ông Boris Johnson cũng cho biết, chính phủ Anh cũng sẽ không yêu cầu người dân Anh bắt buộc phải đeo khẩu trang ở bất cứ nơi đâu, kể cả tại các lớp học. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho biết khuyến khích người dân nên đeo khẩu trang hoặc vật dụng bịt mặt tại các không gian kín và chỗ đông người, đặc biệt khi gặp những người lạ.
"Chúng tôi sẽ tin tưởng vào lựa chọn của người dân Anh và sẽ không phạt bất cứ ai lựa chọn không đeo khẩu trang. Khi Covid-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu thì cần phải thay thế những yêu cầu được luật hóa bằng các lời khuyên và hướng dẫn, khuyến cáo những người nhiễm bệnh phải cẩn trọng và lưu ý cho những người khác. Các quy định về tự cách ly cũng sẽ chấm dứt từ ngày 24/3 tới”, ông Boris Johnson nói.
Quyết định về việc sớm chấm dứt các hạn chế chống dịch tại Anh ngay lập tức đã gây ra một số tranh cãi. Các số liệu tại Anh cho thấy, mặc dù số ca nhiễm hàng ngày đã giảm đáng kể (khoảng 40%) so với cao điểm cách đây hơn 1 tuần nhưng hiện tại nước Anh vẫn ghi nhận khoảng gần 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Các bệnh viện tại Anh vẫn đang phải điều trị cho khoảng 20.000 bệnh nhân Covid-19 và mặc dù đa số giới chuyên gia y tế đánh giá đỉnh dịch của làn sóng Covid-19 hiện nay đã qua nhưng một số vùng tại Anh vẫn ghi nhận số ca nhiễm gia tăng.
Giới phân tích cho rằng, bên cạnh các cân nhắc tương đối táo bạo về mặt y tế, một trong những lí do khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố việc sớm chấm dứt các hạn chế chống dịch Covid-19 là do đang phải đối mặt với sức ép cực lớn từ các đối thủ chính trị cũng như các thành viên nội bộ đảng Bảo thủ về việc phải từ chức sau khi xảy ra một loạt các bê bối về việc tổ chức và tham dự các bữa tiệc tại Văn phòng Thủ tướng Anh trong các thời điểm toàn bộ nước Anh tiến hành phong tỏa để chống dịch năm 2020 và 2021.
Ngay trong phiên chất vấn tại Hạ viện Anh chiều ngày 19/1, một số nghị sĩ của chính đảng Bảo thủ đã lên tiếng yêu cầu ông Boris Johnson từ chức. Một nghị sĩ khác của đảng Bảo thủ là ông Christian Wakeford thậm chí đã quyết định từ bỏ đảng Bảo thủ và chuyển sang Công đảng đối lập để phản đối cách hành xử của ông Boris Johnson.
Giới quan sát cho rằng, nhằm làm giảm sức ép lên ông Boris Johnson và chuyển hướng sự chú ý của dư luận Anh đang ngày càng gay gắt, chính phủ Anh trong vài ngày qua đang công bố một loạt các chính sách quyết đoán, gây tranh cãi, như trước đó là ý định sử dụng hải quân Anh để ngăn chặn các con thuyền vượt biên từ châu Âu sang Anh qua biển Manche./.