Anh và EU kêu gọi thế giới cùng hành động đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế

Thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm

Ngày 11/11, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) J.Almunia đã kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường hành động chung để đẩy lùi tình trạng suy thoái kinh tế hiện đang đe dọa nhiều nền kinh tế hàng đầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo hàng tháng tại Phố Downing Street, Thủ tướng Brao đã kêu gọi hợp tác để "kích thích tài chính" toàn cầu để thu được hiệu quả cao nhất. Dự kiến Chính phủ Anh sẽ sớm cắt giảm thuế để kích thích kinh tế.

Trong khi đó, tại Brussels (Bỉ), ủy viên Almunia nói: "Nếu EU, và đặc biệt tại khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, không cùng hợp tác trong những hoạt động khác nhau thì toàn bộ những nước này sẽ bị thiệt hại". Theo quan chức EU này, sự thiếu hợp tác đồng nghĩa với việc làm giảm tác động của các giải pháp, hiệu quả bị hạ thấp và kéo dài thời gian để đạt được những mục tiêu đề ra.

Khôi phục niềm tin và sự ổn định đối với thị trường toàn cầu sẽ là chủ đề được thảo luận tại hội nghị cấp cao diễn ra tại Washington (Mỹ) vào ngày 15/11 tới giữa lãnh đạo nhóm 20 nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang nổi (G-20). Mặc dù, phía Mỹ cho rằng hội nghị này dường như là kết quả của một "kế hoạch hành động", bao gồm các bước ngắn hạn để giúp ổn định kinh tế toàn cầu, song các quốc gia khác, nổi bật là Pháp, lại muốn thúc đẩy các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị chấp thuận những bước đi vững chắc.

Những lời kêu gọi của ông Brao và ông Almunia được đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 11/11 đều "tụt dốc" sau những "tin xấu" đến từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngày 10/11, Fannie Mae, tập đoàn tài chính hàng đầu từng nhận sự cứu trợ của Chính phủ Mỹ đầu năm nay để thoát khỏi cảnh phá sản, đã công bố khoản thua lỗ 29 tỷ USD, trong khi tập đoàn bảo hiểm AIG cũng vừa được Washington mở rộng khoản cứu trợ lên 150 tỷ USD.

Tại châu Âu, trong phiên giao dịch đầu ngày, chỉ số FTSE 100 tại Luân Đôn đã giảm 0,98%, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt giảm 1,78%, trong khi chỉ số CAC 40 tại Paris giảm 2,3%. Tại Nga, giá cổ phiếu tại một trong hai thị trường của nước này cũng giảm mạnh, trong khi thị trường còn lại, Micex, vẫn ngừng hoạt động. Thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt mất giá. Trong phiên đóng cửa, các cổ phiếu lớn tại sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) đã mất giá 3%, trong khi giá cổ phiếu tại Hồng Công (Hongkong, Trung Quốc) cũng giảm 4,8%./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên