APEC 2022: Chú trọng lợi ích chung thúc đẩy phát triển vì thịnh vượng cho tất cả
VOV.VN - Sau 3 ngày họp của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, các quan chức cấp cao (SOM) đã kết thúc các phiên thảo luận với việc đưa ra Dự thảo “Các mục tiêu Bangkok” đối với mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) của chủ nhà APEC 2022 Thái Lan.
Các đại biểu dự hội nghị đã đạt được sự thống nhất trong tất cả các nội dung của “Các mục tiêu Bangkok”. Điều này đã phản ánh rõ mong muốn hướng tới phát triển bền vững của 21 nền kinh tế thành viên, bất chấp những khác biệt vẫn tồn tại.
Trả lời phóng viên trong buổi họp báo kết thúc các phiên họp SOM, ông Thani Thongphakdi, Chủ tịch SOM APEC 2022, vui mừng khẳng định: “Tôi tự hào nói rằng Thái Lan đã chèo chống con thuyền APEC 2022 vượt qua một năm với những tình huống đặc biệt, và chúng ta hiện đang ở rất gần vạch đích. Tôi hy vọng rằng APEC 2022 sẽ được ghi nhớ như thời điểm cả khu vực cùng nhau quay trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, thời điểm chúng ta nối lại thương mại và du lịch, thời điểm chúng ta quyết định tập trung vào những lợi ích và nguyện vọng chung để thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai”.
“Các Mục tiêu Bangkok” về mô hình kinh tế Sinh học-Xanh-Tuần hoàn (BCG), cùng với những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững hiện nay của APEC và Giải thưởng BCG hàng năm sẽ thể hiện di sản quan trọng của chủ nhà Thái Lan trong Năm APEC 2022. Các Mục tiêu Bangkok cũng được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng để các nền kinh tế thành viên APEC bắt đầu chuyển đổi mạnh mẽ, hướng tới các mô hình kinh tế bền vững hơn.
Dự thảo “Các mục tiêu Bangkok” về Mô hình Kinh tế BCG có 4 nội dung chính: Hành động chống biến đổi khí hậu, bao gồm việc trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính; Đầu tư và thương mại bền vững; Bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đa dạng sinh học; Và tiết kiệm tài nguyên và quản lý rác thải bền vững tiến tới không rác thải.
Tại các phiên họp, các đại biểu 21 nền kinh tế thành viên APEC dành nhiều thời gian thảo luận về an ninh lương thực và an ninh năng lượng, hai vấn đề đang trở nên ngày càng cấp bách trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay. Mội số giải pháp đã được nêu ra như giúp người dân địa phương cải thiện việc sản xuất lương thực, hỗ trợ nông dân tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính và công nghệ trong việc sản xuất lương thực.
Các quan chức cấp cao APEC cũng lưu ý đề xuất của Thái Lan về việc trao giải thưởng APEC BCG thường niên nhằm vinh danh những cá nhân và tổ chức đã có những giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mô hình kinh tế BCG nhằm đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Các giải thưởng này sẽ được trao cho 3 đối tượng là phụ nữ, thanh niên và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm làm nổi bật vai trò độc đáo của họ cũng như truyền cảm hứng và khuyến khích các hoạt động phù hợp với Mô hình kinh tế BCG trong cộng đồng APEC rộng lớn hơn, và cung cấp các ví dụ nhân rộng có thể áp dụng ngoài khu vực APEC. Mỗi cá nhân hay tổ chức được giải sẽ nhận số tiền thưởng trị giá 5.000 USD, được tài trợ bởi Thái Lan, Canada, Trung Quốc và các nền kinh tế APEC quan tâm khác trên cơ sở tự nguyện.
Giải thưởng sẽ được phát động tại Hội nghị Bộ trưởng APEC ngày 17/11, trong khi các đề cử và lựa chọn người thắng giải sẽ được lên kế hoạch cho năm 2023.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề quản trị, bao gồm việc bổ nhiệm một giám đốc đơn vị hỗ trợ chính sách APEC mới (PSU) cũng như các công tác chuẩn bị khác cho APEC 2023 sẽ diễn ra tại Mỹ./.