ASEAN - cốt lõi trong chính sách đối ngoại của tân chính quyền Indonesia
VOV.VN - Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto vừa có chuyến thăm một loạt quốc gia ASEAN ngay trước thềm lễ nhậm chức vào tháng 10 tới. Bước đi này được đánh giá là nhằm khẳng định với các nước láng giềng rằng Đông Nam Á rằng ASEAN sẽ vẫn là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới Indonesia.
Indonesia vẫn lấy ASEAN làm cốt lõi đối ngoại dù Tổng thống đắc cử Prabowo mong muốn Indonesia đóng vai trò quyết định hơn trong các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu, vì đây là quốc gia có đa số người Hồi giáo và là nền dân chủ lớn thứ 3 trên thế giới, cũng như là thành viên của Nhóm 20 (G20) nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngay sau khi đắc cử Tổng thống Indonesia, ông Prabowo đã thực hiện một số chuyến thăm nước ngoài, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia từ châu Á, Trung Đông tới châu Âu, trong đó có Nga và Trung Quốc. Vì vậy giới chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại của chính quyền mới có thể sẽ "xoay trục" khỏi ASEAN và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tập trung cao độ vào các cam kết song phương hơn là quan hệ đối tác khu vực. Tuy nhiên không giống truyền thống các nhà lãnh đạo ASEAN khác sẽ đến thăm đối tác khu vực sau khi nhậm chức, chuyến thăm hàng loạt các nước ASEAN ngay trước thềm lễ nhậm chức của ông Prabowo cũng cho thấy những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới trong 5 năm tới.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Indonesia về chính sách đối ngoại của chính quyền mới với ASEAN, Chuyên gia Calvin Khoe - Giám đốc nghiên cứu và phân tích Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia ( FPCI) nhận định: “ASEAN sẽ vẫn là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Bất chấp việc chính quyền mới có thể thúc đẩy những vấn đề quốc tế rộng lớn toàn cầu, nhưng tôi nghĩ Indonesia vẫn sẽ giữ vai trò của mình trong ASEAN. Indonesia cơ bản tiếp tục ủng hộ và cam kết với ASEAN cũng như đảm bảo vai trò và vị thế của mình trong ASEAN vì an ninh, ổn định, lợi ích của Indonesia nằm trong cộng đồng ASEAN. Ông Prabowo hiểu rằng để có hòa bình và an ninh tại Indonesia, các nước giềng cần phải có hòa bình. Do đó ASEAN vẫn nằm trong chính sách ưu tiên đối ngoại của Indonesia”.
Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của ông Prabowo dưới thời Tổng thống Joko Widodo đã mang lại cho ông đủ nguồn lực, quan hệ với một số cường quốc và các quốc gia đối tác quan trọng. Tuy nhiên, ASEAN vẫn là một tổ chức khu vực được đánh giá thành công, nhận được sự quan tâm của các đối tác đối thoại. Vì vậy, trên thực tế, việc trở nên tích cực hơn ở Đông Nam Á cũng sẽ giúp thúc đẩy sức mạnh ngoại giao của Indonesia trên toàn thế giới.
Còn đối với ASEAN, hiện cũng có những nhu cầu mạnh mẽ trong vấn đề chuyển đổi và cải cách để hoạt động hiệu quả hơn. Với hồ sơ ngoại giao lịch sử của ASEAN, Indonesia được kỳ vọng sẽ dẫn đầu và thậm chí mở ra nhiều cách thức sáng tạo hơn để đạt được những cải cách như vậy.
Với danh sách dài các quốc gia đến thăm ngay sau khi đắc cử của ông Prabowo, các chuyên gia cũng nhận định, nguyên tắc chính sách đối ngoại “tự do và chủ động” sẽ tiếp tục hình thành nền tảng cho các vấn đề toàn cầu của Indonesia. Tuy nhiên dưới thời chính quyền mới sẽ mang tính năng động, tích cực, “táo bạo và quyết đoán” hơn, mang lại nhiều động lực tương lai cho đất nước trong bối cảnh mới.