ASEAN kêu gọi Thái Lan đầu tư nhiều hơn vào các nước nội khối
Ngày 29/11, phát biểu tại Hội nghị hàng năm Phòng Thương mại Thái Lan tại Chiang Mai, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan kêu gọi doanh nghiệp Thái tận dụng hơn nữa những ưu đãi thương mại trong Hiệp hội ASEAN
Theo ông Surin, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển đầu tư. Thế nhưng doanh nghiệp Thái không tận dụng được để trở thành các công ty đa quốc gia, có khả năng đầu tư vào các nước thành viên ASEAN.
Tính đến năm 2008, tổng giá trị đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của ASEAN là 60 tỷ USD. Trong số này, 11 tỷ USD là đầu tư của các nước trong Hiệp hội nhưng hầu hết là của Singapore và Malaysia, đầu tư của Thái Lan rất ít.
Ông Surin cũng chỉ ra rằng mặc dù hàng hoá Thái có mặt ở rất nhiều quốc gia nhưng không nhiều công ty Thái đủ khả năng phân phối hàng trực tiếp tới thị trường xuất khẩu mà phải thông qua các công ty đa quốc gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái lại chưa mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, sản xuất hàng mang nhãn hiệu Thái.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Thái Lan chỉ được chấm 5,3 điểm trong thang điểm 10 về điều hành kinh tế năm qua.
Kết quả trên được đưa ra trên cơ sở khảo sát của Đại học Phòng Thương mại Thái đối với 1.000 thành viên các phòng thương mại địa phương tham dự Hội nghị hàng năm Phòng Thương mại Thái Lan từ ngày 27 – 29/11. 85% trong số này thuộc khu vực kinh tế tư nhân, 15% còn lại thuộc khu vực kinh tế Nhà nước.
Ông Thannavath Phonvichai, Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế - Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cho biết, kết quả khảo sát cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Abhisit chỉ vừa đủ điểm để vượt qua bài kiểm tra. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ở khu vực miền Trung và Đông Bắc cho 5,6 điểm. Nhóm ở miền Bắc cho 5,2 điểm, ở miền Nam cho 5,1 điểm. Nhóm doanh nghiệp khu vực phía Đông chỉ chấm cho Chính phủ 4 điểm. Lý do chính là vì không giải quyết được vụ tranh chấp liên quan đến các dự án đầu tư ở khu công nghiệp Map Ta Phut.
Hầu hết những người được hỏi khẳng định bất ổn chính trị là yếu tố chính ảnh hưởng đến nền kinh tế, sau đó mới đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự tăng giá của dầu, nguyên vật liệu thô. 90% cho rằng: ngoài bất ổn chính trị, Chính phủ cần sớm giải quyết tình trạng tham nhũng đang diễn biến nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hầu hết những người được hỏi ủng hộ các gói kích cầu kinh tế của chính phủ cũng như chương trình tái cơ cấu nợ giúp người nghèo; cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng dương vào năm tới./.