ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới
VOV.VN - Hiện ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới với GDP lên tới 2,43 nghìn tỷ USD.
Dưới sự dẫn dắt của ASEAN và nước Chủ tịch ASEAN (Lào) trong năm 2016, ASEAN đã thực hiện thành công nhiều dự án ưu tiên quan trọng, góp phần thúc đẩy đưa nền kinh tế của nội khối phát triển lên một tầm cao mới.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc AEM-48.
Theo dự báo của các chuyên gia thế giới, tốc độ phát triển GDP của ASEAN trong năm 2016 sẽ là 4,5% và tăng lên 4,8% trong năm 2017. Về thương mại giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc chiếm đến 15,2% tổng sức mua - bán của ASEAN, tiếp đến là thị trường Nhật Bản, chiếm đến 10,5%; thị trường EU chiếm 10% và Mỹ chiếm 9,3%...
Bên cạnh đó, đến năm 2015, con số đầu tư nước ngoài (FDI) vào ASEAN lên đến 120 tỷ USD, đầu tư nội khối tăng lên 18,5% trong năm 2015 là những tín hiệu tốt và là thành quả hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN, đưa khu vực này trở thành khu vực đầu tư quan trọng của nước ngoài.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM-48) đã cho thấy kết quả nổi bật của nền kinh tế ASEAN hiện nay. Mặc dù nền kinh tế thế giới cũng đang có những diễn biến phức tạp, nhưng ASEAN sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế của mình phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển ổn định của nền kinh tế thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, bà Khemmany Phonexana, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào cho biết: “Các bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có cuộc gặp từ ngày 3/8, sau đó là cuộc gặp của Các bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác và các hội nghị liên quan. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận hữu ích tích cực, đưa ra các kết quả quan trọng.
Trước tiên là thông qua các ưu tiên của nước chủ tịch Lào về Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN, Khuôn khổ Quản lý an toàn thực phẩm ASEAN, Khuôn khổ thể chế ASEAN về tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, Chương trình làm việc về khởi nghiệp trong ASEAN. Chúng tôi cũng nhận được sự tán thành từ các bộ trưởng Kinh tế ASEAN về Chỉ dẫn Chỉ dẫn phát triển và phối hợp về đặc khu kinh tế…”
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) và các hội nghị liên quan là sự kiện thường niên quan trọng để Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Hội nghị lần thứ 48 này cũng là để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28, 29 và các hội nghị liên quan vào tháng 9 tới.
Họp báo thông báo kết quả Hội nghị AEM-48. |
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 48 cho biết, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tập trung xem xét và thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối ASEAN cũng như với các đối tác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Đây có thể nói là nền tảng giúp các nước ASEAN biến từ các chủ trương, nội dung trong các hiệp định nội khối để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thành hiện thực với các chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể trong khu vực công, khu vực của nhà nước, cũng như khu vực tư nhân (doanh nghiệp), đặt ra trong các hoạt động của đời sống của Cộng đồng Kinh tế ASEAN”.
Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổ chức đối thoại với Bộ trưởng các nước đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và thống nhất được nhiều nội dung quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Với lộ trình và nội dung rất cụ thể và thông qua hàng loạt các khung khổ hợp tác của ASEAN với các nước đối tác, không những ASEAN có khung khổ hợp tác rộng lớn hơn mà còn đóng góp vào kết quả rất cụ thể để thúc đẩy RCEP là Hiệp định kinh tế toàn diện giữa ASEAN với các đối tác lớn ở Đông Bắc Á, cũng như thế giới.
Như vậy, chúng ta sẽ có một khuôn khổ hoàn chỉnh, và một thị trường rộng lớn, mở rộng ra toàn bộ các lĩnh vực, không chỉ về thương mại, hàng hóa, mà còn về sở hữu trí tuệ, đầu tư, về các lĩnh vực của doanh nghiệp vừa và nhỏ, của lĩnh vực phát triển thương mại điện tử, cũng như rất nhiều lĩnh vực đang là trọng tâm không chỉ của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà còn là các hoạt động phù hợp với định hướng phát triển của khu vực và trong ASEAN”.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế của ASEAN trong thời gian qua, ASEAN cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài, do đó ASEAN cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, góp phần hội nhập kinh tế sâu rộng trong khu vực, đưa ASEAN trở thành cộng đồng kinh tế năng động, bền vững toàn diện.
Hơn bao giờ hết, ASEAN cần tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa..., xây dựng lòng tin chiến lược, nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh ổn định trong khu vực và trên thế giới./.