Australia có thể đạt đỉnh dịch do biến thể Omicron gây ra trong vài tuần tới
VOV.VN - Làn sóng dịch do biến thể Omicron đang hoành hành tại hầu khắp các bang và vùng lãnh thổ của Australia với số ca mắc mới tăng chóng mặt sau mỗi ngày trong khi các cơ sở xét nghiệm đang làm việc với cường độ cao nhất kể từ đầu dịch.
Tình trạng được dự báo có thể sẽ vẫn tiếp diễn trong vòng vài tuần tới cho đến khi đạt tới đỉnh dịch. Hôm nay (4/1) tiếp tục là ngày Australia ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở mức cao kỷ lục, với gần 48.000 ca bệnh mới. Số liệu ngày hôm nay cũng cho biết có thêm 4 ca tử vong vì Covid-19.
Dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt, nhưng giới chức y tế Australia vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng làn sóng dịch lần này có thể đạt đỉnh sớm hơn dự kiến trong khi các dữ liệu cập nhật cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng.
Theo ý kiến của Giáo sư dịch tễ học James Wood thuộc Đại học New South Wales, một chuyên gia về mô hình hóa dịch bệnh, làn sóng dịch Omicron sẽ tăng và giảm nhanh chóng. Riêng tại New South Wales, bang có số ca nhiễm mới theo ngày nhiều nhất hiện nay, đợt dịch này được dự báo có thể đạt đỉnh trong một đến ba tuần tới. Và tại các bang khác thì dịch bệnh có thể sẽ bắt đầu giảm sau một hoặc hai tuần.
Quan điểm của giới chức y tế địa phương được củng cố bởi các kết quả nghiên cứu tại Mỹ, Anh và Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có khả năng lây lan rất nhanh, nhưng đợt dịch mà nó gây ra không kéo dài và có thể đạt đỉnh chỉ sau vài tuần.
Trong bối cảnh này, các địa điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Australia đã phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng do tốc độ lây lan của biến thể Omicron là quá nhanh đã khiến nhiều điểm xét nghiệm quá tải và nhiều người đã phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để đến lượt được lấy mẫu.
Người dân cũng được khuyến khích tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) tại nhà nếu thấy có triệu chứng của Covid-19, đồng thời hạn chế đến các điểm xét nghiệm nếu chưa cần thiết để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên,việc tự làm xét nghiệm tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn do bộ dụng cụ xét nghiệm đang khan hiếm trầm trọng và giá cũng tăng cao đột biến.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế Australia cho biết trong 2 tháng tới sẽ nhập khẩu thêm 100 triệu bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng (ACCC) của nước này cũng vừa ra thông báo sẽ kiểm tra và phạt nặng đối với các hành vi găm hàng, tăng giá sản phẩm và trục lợi từ thực trạng thiếu hụt các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh./.