Australia, Mỹ phản ứng gay gắt với kế hoạch hoãn bầu cử của Thái Lan

VOV.VN - Việc quân đội Thái Lan loại bỏ Chính phủ dân cử đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Australia và Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Chính quyền quân sự Thái Lan hoãn bầu cử trong hơn một năm để dành thời gian tiến hành cải cách và tái hòa giải chính trị. Vì lý do này, Australia, vốn có quan hệ lâu năm với Thái Lan, đã quyết định hạ cấp quan hệ với Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự vừa qua.  
Tư lệnh lục quân, Tướng Prayuth Chan OCha đứng đầu- người lãnh đạo cuộc đảo chính mới đây ở Thái Lan

Trong phát biểu đầu tiên trên truyền hình quốc gia sau cuộc đảo chính hôm 22/5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) của Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định, chính quyền quân sự không muốn nắm giữ quyền lực, song buộc phải hành động do Thái Lan bị sa lầy trong bế tắc chính trị quá lâu.

Ông Prayuth cho biết, cuộc đảo chính là nhằm chấm dứt bạo lực, khôi phục hòa bình và mang hạnh phúc trở lại với đất nước Thái Lan với 67 triệu dân. Sau khi sứ mệnh trên được hoàn tất, quân đội Thái Lan sẽ trở lại với nhiệm vụ quân sự thông thường.

Tướng Prayuth cũng đưa ra một lộ trình và khung thời gian rõ ràng cho việc cải cách đất nước trước khi tiến hành tổng tuyển cử. Theo tờ Bưu điện Bangkok, giai đoạn một (dự kiến kéo dài trong 2-3 tháng) sẽ tập trung vào việc đảm bảo an ninh và hòa giải giữa các phe phái chính trị; trong giai đoạn hai, kéo dài ít nhất một năm, một hội đồng lâm thời sẽ được thành lập thông qua sự nhất trí của các chuyên gia chính trị; trong giai đoạn ba - đồng thời là giai đoạn cuối của lộ trình trên- một hội đồng quốc gia sẽ được thành lập và sẽ chọn ra Thủ tướng.   

Người phát ngôn Quân đội Thái Lan tại cuộc họp báo hôm qua đã khẳng định lại quan điểm của tướng Prayuth: “Chúng tôi tôn trọng ý kiến của người dân và người dân phải hiểu rằng chúng tôi cần đặt ưu tiên duy trì an ninh của đất nước lên hàng đầu. Việc tiếm quyền không phải là để nắm giữ quyền lực mà chỉ để giải quyết các vấn đề của đất nước”.

Phản ứng trước những diễn biến mới nhất trên chính trường Thái Lan, Chính phủ Australia hôm 31/5 đã hạ cấp quan hệ với Thái Lan. Đây là một trong số các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất mà một chính phủ nước ngoài đưa ra đối với Thái Lan sau khi quân đội nước này tiến hành cuộc đảo chính.

Trong khi tiếp tục bày tỏ “các quan ngại sâu sắc” về các hành động của giới quân sự tại Thái Lan, Chính phủ Australia cho biết sẽ ngăn không cho các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính tại quốc gia Đông Nam Á này tới Australia.

Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston cho biết: “Chính phủ Australia tiếp tục kêu gọi quân đội dọn dường để quay trở lại chế độ dân chủ và pháp trị càng sớm càng tốt, ngừng việc giam giữ tùy tiện, phóng thích những người bị giam giữ vì các lý do chính trị và tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản”.

Trước việc quân đội Thái Lan tuyên bố chưa thể tổ chức bầu cử trong thời điểm hiện nay, Mỹ - đồng minh lâu năm của Thái Lan - cho rằng, 15 tháng là thời gian trì hoãn quá dài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng, biện pháp tốt nhất hiện nay là chính quyền quân sự Thái Lan "lên thời hạn tổng tuyển cử sớm và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình bầu cử diễn ra toàn diện và minh bạch".

Quân đội Thái đã nắm quyền sau 6 tháng bế tắc chính trị khi những người biểu tình cố gắng lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Các cuộc biểu tình và đụng độ giữa các bên khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và vài trăm người khác bị thương. Kể từ khi nắm quyền, quân đội đã triệu tập và bắt giữ hàng trăm nhân vật chính trị then chốt, trong đó có bà Yingluck. Cựu nữ Thủ tướng đã được trả tự do nhưng vẫn chịu một số hạn chế đi lại.

Các lãnh đạo đảo chính đã nhận được sự ủng hộ của Hoàng gia Thái Lan. Tuy nhiên, việc quân đội loại bỏ Chính phủ dân cử đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của cộng đồng quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên